ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa chỉ đạo rà soát lại quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều. Đây sẽ là cơ sở cho việc bố trí kế hoạch lồng ghép vào các dự án, các kế hoạch ngành, địa phương để thực hiện kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai một cách đồng bộ, có trọng điểm.
Bộ NN&PTNT sẽ tập trung rà soát quy hoạch phòng, chống lũ tại các vùng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sông Đáy, các sông thuộc khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các sông thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Chương trình củng cố nâng cấp hệ thống đê sông cũng đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương để hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2009.
Mục tiêu của Chương trình này tập trung chủ yếu vào việc củng cố, nâng cấp các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn; xử lý dứt điểm những trọng điểm xung yếu về nền đê, thân đê; cải tạo mặt đê; sửa chữa, xây dựng mới các cống dưới đê; đồng thời đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm tăng cường công tác quản lý đê tại 18 tỉnh có đê từ Hà Tĩnh trở ra.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT tiếp tục thúc đẩy thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đê biển hiện có của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam nhằm chủ động phòng, chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ven biển. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2010 đầu tư hoàn thành những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng với tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2015. Trong 4 năm qua (2006 – 2009), Chính phủ đã hỗ trợ cho chương trình này trên 3.250 tỷ đồng. Các địa phương đã di dân được trên 72.300 hộ, trong đó có gần 58.000 hộ vùng thiên tai và trên 14.600 hộ vùng đặc biệt khó khăn, đạt 96,5% chỉ tiêu của cả 5 năm (2006 – 2010).