Hà Tĩnh: Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

ThienNhien.Net – Đưa các bộ giống lúa mới, phù hợp vào sản xuất đại trà, đặc biệt trong vụ sản xuất hè thu (vụ lúa thiếu những bộ giống ngắn ngày chất lượng cao) là một trong những nội dung hoạt động thiết thực mà huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang triển khai, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 08-NQ/T.U của BCH Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp – nông dân, nông thôn giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 vào cuộc sống. Với 2 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao PC6 và Bio 404 vừa được xây dựng thành công ở vụ hè thu 2009, Thạch Hà đã tiến thêm một bước trên lộ trình chuyển đổi các bộ giống, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập của người nông dân.


Từ vụ hè thu 2007, giồng lúa PC6 đã được trồng khảo nghiệm ở xã Thạch Thanh, Thạch Hà. Với những ưu thế vượt trội như sinh trưởng và phát triển khỏe, sạch bệnh, dài bông, cơm mềm, ngon, năng suất cao, lúa PC6 đã từng bước được nhân rộng ở nhiều địa phương trong toàn huyện. Hè thu 2009, với mục tiêu tạo thêm cú hích để mở rộng hơn nữa diện tích giống mới này, huyện xây dựng mô hình sản xuất 10ha PC6 tập trung kết hợp với ứng dụng phương pháp gieo bằng công cụ sạ hàng. Kết quả cho thấy, lúa PC6 có sức chống chịu tốt và cho năng suất cao hơn so với những giống lúa truyền thống như Xuân Mai, Khang dân. Theo ước tính ban đầu, mỗi ha lúa PC6 được gieo bằng công cụ sạ hàng cho năng suất 52 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Tú (thôn Mộc Hải) – một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, với 2 loại giống chủ lực là Xuân Mai12, Khang dân18, ở vụ hè thu, chúng tôi chỉ biết sản xuất lúa để phục vụ chăn nuôi. Thế nhưng với loại giống lúa ngắn ngày mới PC6, hè thu vẫn có gạo ngon ăn và bán được giá. Đặc biệt, so với các loại giống cũ, PC6 còn rút ngắn thời gian sinh trưởng được 5-7 ngày nên có thể thu hoạch sớm, tránh được bão lụt”.

Bên cạnh niềm vui thành công trong nhân rộng giống lúa chất lượng PC6, hè thu năm nay còn đánh dấu sự có mặt của giống lúa lai mới BIO 404 – lúa lai 3 dòng chất lượng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Mô hình này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Chuyển giao Khoa học Kỹ thuật với Công ty Bioseed – đơn vị cung ứng giống.

Trên diện tích 5 sào trồng khảo nghiệm ở xóm Tây Nguyên (Thạch Liên), lúa lai BIO 404 bước đầu cho thấy những tính năng nổi bật như: đẻ khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất cao(3,5 tạ/sào). Chị Ngô Thị Thuý – một hộ trồng khảo nghiệm lúa lai BIO404 cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi cũng hết sức băn khoăn vì chưa nghe thấy tên lúa này bao giờ, nhưng được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền và Công ty Bioseed, chúng tôi đã áp dụng đầy đủ quy trình thâm canh với những đòi hỏi khá khắt khe. Và kết quả đạt được đã không phụ công người, ước tính mỗi sào lúa lai mới này chúng tôi thu được trên 1 triệu đồng”.

Đồng chí Phó Chủ tịch huyện khẳng định, từ kết quả sản xuất và khảo nghiệm 2 loại giống lúa mới này, huyện sẽ chỉ đạo từng bước đưa giống PC6 vào sản xuất đại trà ở vụ hè thu kết hợp với các biện pháp thâm canh mới để nâng cao năng suất, chất lượng của hơn 7 ngàn ha lúa hè thu của toàn huyện. Đối với lúa lai BIO 404, huyện tiếp tục phối hợp với Công ty Bioseed khảo nghiệm thêm một vài vụ nữa và sẽ có chính sách hỗ trợ đối với những hộ ứng dụng giống mới.

Thạch Hà phấn đấu đến năm 2011 sẽ có nhiều bộ giống lúa chất lượng cao được trồng đại trà nhằm đẩy mạnh hướng phát triển sản xuất lúa hàng hoá với giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng giống mới, đặc biệt là lúa lai BIO 404 vào sản xuất đối với nhiều địa phương còn khó khăn do giá giống cao, điều kiện canh tác nhiều nơi còn khó khăn, người nông dân chậm đổi mới tư duy trong sử dụng giống lúa. Ngay như xã Thạch Liên – địa phương đi đầu trong sản xuất lúa lai, mặc dù giống BIO 404 đã khảo nghiệm thành công nhưng do giá giống cao(50 ngàn/kg) nên việc nhân rộng cũng đang gặp khó khăn.

Ông Vương Khả Thông – Chủ tịch UBND xã cho biết: ” Nếu được cấp trên hỗ trợ một phần giá giống thì đến vụ sản xuất tới, xã sẽ đưa giống lúa lai BIO 404 vào trên 70% diện tích canh tác”. Như vậy, để có thể nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, trong thời gian tới, huyện cần cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ đối với người nông dân, đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống.