ThienNhien.Net – Nguồn thu từ nghề khai thác đá vốn đã rất èo uột đối với người lao động, nhưng buồn một nỗi, những đóng góp từ thuế của các doanh nghiệp khai khác đá trên địa phương có tài nguyên đá cũng không khá hơn.
Những bất cập
Có thể nói, việc khai thác, chế biến và tiêu thụ đá (kể cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu) đã đưa đến một nguồn lợi không nhỏ cho nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra khai thác. Tình trạng đua nhau làm thủ tục để được cấp phép khai thác đá cũng thật dễ hiểu. Thậm chí, số khai thác chui (không có giấy phép khai thác) cũng khá lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Việc cấp phép ồ ạt, khai thác bừa bãi và thiếu trách nhiệm đã dẫn đến nhiều hệ luỵ tất yếu. Nó ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, đến phong tục tập quán của người dân trong vùng, gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên, gây khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp…
Tại tỉnh Đăk Lăk, chỉ riêng “huyện du lịch” Buôn Đôn đã có đến 8 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đá (chưa kể số khai thác không phép). Riêng Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Hoàng Phát là đơn vị thuê diện tích khai thác lớn nhất; 48.068 m2 tại xã Ea Bar. Lãnh đạo huyện Buôn Đôn nhiều phen phải “đau đầu” bởi việc tổ chức khai thác đá ở đây luôn nảy sinh những vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề thỏa thuận quyền lợi đôi bên giữa người dân địa phương và doanh nghiệp.
Còn ở Gia Lai, toàn tỉnh có 63 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai cho thấy, việc triển khai thực hiện khai thác đá của các doanh nghiệp này cũng còn rất nhiều điều đáng nói. Qua kiểm tra 45/63 doanh nghiệp được cấp phép thì, có đến 11 doanh nghiệp chưa chấp hành việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Thuỷ điện Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Hoàng Nhi, Công ty CP Khoáng sản Gia Lai….
Theo ông M (chủ một doanh nghiệp khai thác đá tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), công ty ông có 35 nhân công nhưng trên 70% là lao động từ các địa phương khác đến như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Ông khẳng định, với lao động ngoài tỉnh ông trả lương cao, từ 2-4 triệu đồng/tháng. Với lao động tại chỗ thì chỉ 1,5-2,5 triệu đồng. Lý giải điều này, ông cho biết, mỗi cây đá sau khi được moi từ lòng đất sẽ được mài nhẵn, khò lửa đánh bóng, khoan tạo dáng, đưa vào máy cắt lát… nói chung đòi hỏi kỹ thuật và tác phong công nghiệp rất cao nhưng người dân địa phương thường không đáp ứng được các yếu tố này. Muốn một lao động phổ thông rành nghề phải luyện ít nhất một tháng. Nhưng vấn đề ở chỗ cho dù họ (người dân địa phương – PV) có thạo nghề thì cũng không dám nhận vì “họ làm việc rất nghệ sĩ, thích thì làm, không thích thì nghỉ ngang, đang làm họ bỏ dở việc vì vợ đến báo con bò đi đâu tìm không thấy phải nghỉ về tìm, hay làng có tiệc tao về uống rượu”…Tâm tình của ông M cũng chính là tâm tình của nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh khai thác và chế biến đá.
Một điểm khai thác đá bazan chui bị phát hiện (Ảnh: Trần Ngọc) |
Vì không được các ông chủ quan tâm nên những cư dân sở tại, những người vốn là chủ nhân thực sự của thiên đường đá đành phải kiếm sống bằng việc mót chẻ đá xây dựng với công việc nặng nhọc, nguy hiểm, bấp bênh. Từ việc bị giới chủ cho đứng ngoài cuộc, xuyên xuốt thủ phủ đá Kông Yang, chúng tôi nhận thấy trong khi các chủ doanh nghiệp kinh doanh đá ngày càng phất thì tình hình kinh tế xã hội và môi trường ở thiên đường đá Kông Yang hoàn toàn ngược lại. Để thu lợi cao nhất, họ khai thác tài nguyên theo kiểu tận thu, phớt lờ các qui định bảo vệ môi trường, thờ ơ trong việc thể hiện trách nhiệm đóng góp, chia sẻ tài chính để phát triển đời sống dân sinh tại ở nơi mà họ tận lực vơ vét tài nguyên, làm giàu tốc độ.
Theo nhận định của dư luận, số lợi nhuận mà các công ty khai thác khoáng sản ở xã Kông Yang luôn khác xa với con số mà họ báo cáo với ngành chức năng. Họ ngày càng phất trong khi núi rừng ngày một thảm thương và bộ mặt của địa phương nơi họ làm giàu chẳng thay đổi gì mấy!
Ông phó chủ tịch xã Kông Yang – Vũ Văn Tĩnh, cho biết: “Năm 2008, các doanh nghiệp cam kết tự nguyện hỗ trợ địa phương 100 triệu đồng cho việc nâng cấp sân nền ủy ban nhưng họ chỉ nộp 80 triệu, nghĩa là 9 doanh nghiệp một năm ủng hộ chưa đủ cái sân (cái sân ở trước trụ sở UBND xã Kông Yang – PV)”. Ông Tĩnh, bức xúc: “Đường sá, cầu cống ở địa phương do bị xe chở đá của họ làm hư nát, tôi có mời họ lên làm việc, họ hứa ậm ừ nhưng đến nay chẳng thấy động tĩnh gì”.
Một cán bộ huyện Kông Chro trăn trở: “Trên thực tế các doanh nghiệp luôn ủng hộ mọi yêu cầu kêu gọi đóng góp vào các quỹ ở địa phương như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo… nhưng chỉ là đóng góp nhỏ giọt không đáng kể. Bằng đấy doanh nghiệp mà bình quân mỗi năm ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng, một con số quá khiêm tốn so với khoản thu lợi của họ”.
Câu chuyện Viet – Stone Gia Lai
Công ty đá Viet – Euro – Stone Gia Lai (Viet – Stone Gia Lai) là doanh nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của chính quyền Gia Lai khi đến đầu tư. Doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép đầu tư số 01 ngày 01/08/2003 với hoạt động khai thác, chế biến đá bazan; hợp tác với các doanh nghiệp Việt
Một phần quang cảnh bãi khai thác đá cạnh công ty Viet – Stone (Ảnh: ThienNhien.Net) |
Đây là một trong số những nhà đầu tư đầu tiên đến với Gia Lai sau những lần tỉnh này tổ chức các đợt xúc tiến thương mại. Dĩ nhiên, thảm đỏ được trải ra chào đón các nhà đầu tư và công ty Viet – Stone Gia Lai đã thụ hưởng điều đó. Ngay từ buổi đầu tiên, chính quyền Gia Lai đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi. Cụ thể, công ty được tỉnh cho thuê đất xây dựng nhà máy thời hạn 30 năm. Diện tích đất này khi đến tay doanh nghiệp là “đất sạch” vì trước đó Gia Lai đã làm công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng ưu đãi chi 500 triệu đồng (năm 2004) đầu tư trạm biến áp, kéo điện đến tận nhà máy.
Điều đáng nói là Viet – Stone Gia Lai hầu như chỉ mua nguyên liệu của một doanh nghiệp để về tinh chế sản phẩm, đó là Công ty TNHH đá Thiên Nhiên (Công ty TNHH đá Thiên Nhiên được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ban hành Qyết định số141/QĐ-CT ngày 12/01/2004, cho phép khai thác tận thu đá bazan tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) trong thời gian 3 năm.
Hơn nữa, bà Hoàng Thị Miên – Giám đốc Công ty TNHH đá Thiên Nhiên chính là…vợ của ông Tobias Barsch – Giám đốc điều hành Công ty Viet- Stone Gia Lai. Quan hệ này lý giải tại sao trong suốt 3 năm liền, Viet- Stone Gia Lai hầu như chỉ mua đá nguyên liệu của Công ty TNHH đá Thiên Nhiên. Theo đó sự mua – bán này cũng có vấn đề khi mà trong hai năm (2005-2006), giá trị xuất khẩu của Viet- Stone Gia Lai đạt 17,7 tỷ đồng, nhưng tiền mua nguyên liệu đầu vào chỉ hết 318,9 triệu đồng; và không phải nộp ngân sách. Rõ ràng trong thuơng vụ làm ăn này, Công ty Viet- Stone Gia Lai và Công ty TNHH đá Thiên Nhiên (hay nói cách khác là vợ chông ông bà Tobias Barsch – Hoàng Thị Miên) đã có sự thông đồng chuyển giá, không minh bạch tài chính, giá giao đá giữa hai Công ty rất thấp so với giá thị trường, làm cho tỉnh địa phương mất tài nguyên mà không đạt được hiệu quả!
Trong 3 năm hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, Công ty TNHH Thiên Nhiên đã không đạt hiệu quả về thu ngân sách. Trong 3 năm khai thác, họ chỉ nộp thuế tài nguyên cho tỉnh được 10,2 triệu đồng (trong khi nguồn khai thác chỉ cung ứng duy nhất cho Công ty đá Viet- Stone Gia Lai). Hết thời hạn theo giấy phép khai thác (ngày 12/11/2006), Công ty TNHH đá Thiên Nhiên không làm thủ tục hồ sơ xin gia hạn giấy phép khai thác. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiệu quả trong khai thác tài nguyên khoáng sản của tất cả các doanh nghiệp đang khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, xét thấy hoạt động của Công ty TNHH đá Thiên Nhiên không hiệu quả, không làm hồ sơ xin gia hạn theo quy định, sau khi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản của Công ty TNHH đá Thiên Nhiên hết hạn, UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi giấy phép này.
Công nhân đang làm việc tại Công ty Viet – Stone Gia Lai (Ảnh: Văn Công Hùng) |
Tuy nhiên sau khi bị thu hồi giấy phép khai thác, Công ty TNHH đá Thiên Nhiên vẫn tiếp tục lén lút khai thác trái phép. Hành vi này đã bị các ngành chức năng phát hiện và xử lý nghiêm.
Điều nực cười là từ khi Công ty TNHH đá Thiên Nhiên bị thu hồi giấy phép khai thác thì, Viet- Stone Gia Lai liên tục gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lên nhiều cấp ngành Trung ương và tỉnh nhằm “cứu” Công ty TNHH Thiên Nhiên, chứng tỏ sự một thương vụ làm ăn thiếu minh bạch trong mối quan hệ “răng – môi” này. Nhưng cũng trong thời gian này, Viet- Stone Gia Lai vẫn hoạt động bình thường và có thu nhập ổn định bằng nguồn nguyên liệu đá mà Viet- Stone Gia Lai mua của các đơn vị như: DNTN Tiến Thịnh (Gia Lai), DNTN Hoàng Sơn (Gia Lai), Công ty TNHH Phương Như (Bình Định)…
Câu chuyện Viet – Stone mới chỉ là một điển hình nhiều bất cập trong việc tổ chức khai thác khoáng sản đá tại Gia Lai.
Lập lại trật tự
Các sở ngành của tỉnh Gia Lai suốt nhiều năm qua chưa có sự hợp đồng chặt chẽ để kiểm tra, thẩm tra việc khai thác đá bazan ở huyện Kông Chro. Và dĩ nhiên, việc “chảy máu” tài nguyên đã diễn ra khi chính quyền cấp huyện ít nhiều biểu hiện sự bất lực trong quản lý.
Theo một báo cáo của huyện Kông Chro, hầu hết doanh nghiệp đến khai thác đá bazan ở huyện đều không có thiết kế mỏ. Và chuyện có Giám đốc điều hành cũng là chuyện hiếm ở đây. Các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm và không hề tuân thủ những qui định trong khai thác mỏ. Đấy là chưa kể đến việc khai thác không phép chui lủi vẫn đều đặn diễn ra. Điều này vừa gây thất thoát lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Bùi Khắc Quang-Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai: “Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở tỉnh ta hiện nay còn lỏng lẻo, làm thất thoát lớn nguồn thu và gây ra những hệ lụy vệ sinh môi trường và quản lý tài nguyên quốc gia. Chúng ta cần có những văn bản cụ thể và rõ ràng nữa trong việc quản lý lĩnh vực này”. (Vĩnh Hoàng) |
Chính việc khai thác tràn lan đá bazan ở Kông Chro đã buộc tỉnh phải mạnh tay cho tạm dừng việc khai thác từ những tháng đầu năm 2008 để hậu kiểm và sẽ cấp phép tiếp cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện; kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng, doanh nghiệp vi phạm. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong một phiên họp gần đây cũng đã nhấn mạnh: Phải kiểm tra kỹ vấn đề này để làm sao vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho địa phương.
Điều trăn trở của họ sau khi UBND tỉnh Gia Lai thực hiện chủ trương “lập lại trật tự” hoạt động khai thác đá là không để người lao động bản địa đơn lẻ với kế mưu sinh của mình như những phiến đá mồ côi trên cánh đồng đá mênh mông!