Đồng Nai: Còn ít doanh nghiệp ứng dụng sản xuất sạch

ThienNhien.Net – Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra hiện đang là mối lo cho toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, kỹ thuật sản xuất sạch hơn (SXSH) mặc dù mang lại hiệu quả khá cao nhưng ở Đồng Nai vẫn còn ít doanh nghiệp (DN) áp dụng.


Từ nhà máy cao su Xuân Lập

Đến Nhà máy cao su Xuân Lập ở thị xã Long Khánh hiện nay, điều đầu tiên nhận thấy là mùi hôi gần như không còn nữa, giảm 95% so với trước thời gian ứng dụng kỹ thuật SXSH (tháng 8/2007). Ông Từ Văn Thẩm, phó quản đốc nhà máy cho biết ngành chế biến mủ cao su mang đặc tính riêng là tiêu thụ lượng nước, điện, dầu D.O và hóa chất lớn nên rất tốn kém năng lượng và cho ra chất thải nhiều. Tính trung bình để sản xuất ra 1 tấn mủ kem mức nước tiêu thụ gần 10m3 và 1 tấn mủ khối cần 23m3 nước, mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 5.000 tấn mủ kem và 13 ngàn tấn mủ tạp, với lượng nước tiêu thụ khá lớn.

Áp dụng kỹ thuật SXSH, nhà máy đã đưa ra 64 giải pháp chia làm 5 nhóm là nâng cao nhận thức về lợi ích; giảm thất thoát nguyên liệu; giảm sử dụng và thất thoát nước; giảm dùng hóa chất và sử dụng hiệu quả năng lượng. Sau khi ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, mỗi tấn mủ thành phẩm nhà máy đã giảm được hơn 2 khối nước, 2 lít dầu D.O, gần 1kg hóa chất và 10kW điện.

Chia sẻ về ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, ông Thẩm nói: “Trước đây tôi chỉ nghĩ SXSH là lau chùi máy cho sạch để cho ra sản phẩm sạch và xử lý tốt nguồn nước thải sau khi sản xuất. Nhưng không phải vậy, kỹ thuật này là xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ngay trong giai đoạn đang sản xuất và hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường. Ví dụ, như trước đây tất cả những tạp chất hay mủ cao su bị rơi vãi trong quá trình chế biến chúng tôi đều xả bỏ xuống hệ thống mương nước đưa ra bể chứa nước thải. Chính những chất đó gây nên ô nhiễm rất nặng và nhà máy phải tốn một khoản tiền xử lý nhưng không mấy hiệu quả”.

Quả thực, không chỉ là vấn đề mùi hôi, mà nguồn nước thải của Nhà máy cao su Xuân Lập đã được Sở Tài nguyên và môi trường công nhận là đơn vị đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Ông Thẩm cũng cho biết thêm, hiện còn 15 giải pháp cuối cùng với số vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ đồng nhà máy sẽ triển khai trong thời gian tới. Khi đầu tư hoàn tất những giải pháp cuối này việc làm sạch môi trường của nhà máy sẽ nâng lên một mức nữa. Cụ thể, lượng nước thải đạt chuẩn hiện nay sẽ được tái sử dụng cho dây chuyền sản xuất mủ khối khoảng 1.000m3 nước/ngày đêm; giảm sử dụng nồng độ acid sulfuric trong sản xuất xuống. Theo tính toán của ông Thẩm, nếu giảm được những chi phí này mỗi năm nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 700 triệu đồng.

Doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật SXSH còn ít

Ở Đồng Nai, số DN ứng dụng kỹ thuật SXSH còn rất ít. Theo ghi nhận của Sở Công thương, ngoài Nhà máy cao su Xuân Lập thì chỉ có một số DN hóa chất như Nhà máy supe phốt phát Long Thành, Nhà máy hóa chất Biên Hòa đã tham gia tích cực chương trình SXSH. Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, một số lý do khiến SXSH chưa được các DN ở Đồng Nai hưởng ứng mạnh mẽ như: DN chưa thấy được hiệu quả của SXSH do thiếu thông tin về kỹ thuật này; thiếu nguồn tài chính để thực hiện, nhất là với các DN vừa và nhỏ; thiếu các chuyên gia về SXSH cho các ngành công nghiệp khác nhau. Một lý do quan trọng nữa là cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết và đủ mạnh trong việc xử lý những DN gây ô nhiễm.

Ông Nguyện nói: “Một bất cập trong việc khuyến khích DN thực hiện SXSH hiện nay là biện pháp xử lý những DN gây ô nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu kiên quyết và chưa công bằng. Ví dụ: trong khi một DN phải đầu tư cả tỷ đồng cho SXSH, còn DN khác thì vẫn tự do thải nguồn ô nhiễm ra môi trường mà chỉ bị phạt vài triệu đồng là không thỏa đáng. Để khuyến khích DN hưởng ứng mạnh về SXSH thì cần phải có quy định xử phạt công bằng và khen thưởng đúng mức. Bên cạnh đó cần có nhiều hội nghị phổ biến, nhân rộng quy trình SXSH để các DN học hỏi”.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ xây dựng phương án hành động về SXSH để giúp các DN từng bước áp dụng trong tất cả các công đoạn sản xuất như: quản lý tốt nội vi; kiểm soát chặt quá trình sản xuất; thay thế nguyên phụ liệu ít nguy hại hơn; thay thế thiết bị, công nghệ; tái sử dụng hoặc tái chế nguyên phụ liệu thải; cải tiến bao bì và đóng gói sản phẩm (bao bì thân thiện với môi trường).

Việc đưa SXSH đến với DN đã đến lúc cần thiết, nó sẽ giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm ở nhiều khu công nghiệp (CN), cụm CN.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Nhân, Giám đốc trung tâm sản xuất sạch Việt Nam: “Sản xuất sạch hơn, tất cả các bên đều lợi”

SXSH chính là nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, vật liệu, năng lượng và nước để chủ động ngăn chặn sự tạo thành chất thải ngay tại nguồn phát sinh ra chúng, giảm thiểu các chất gây ô nhiễm đi vào môi trường. Có những người hiểu lầm SXSH cũng giống như công nghệ sạch nên cho rằng không phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay, vì phần lớn các doanh nghiệp (DN) không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Cụ thể của SXSH là, trong sản xuất cần giảm sử dụng nguyên, vật liệu và năng lượng cho 1 đơn vị sản phẩm; loại bỏ tối đa các nguyên liệu độc hại; giảm lượng và độc tính của tất cả các dạng chất thải trước khi rời khỏi quá trình sản xuất. Đối với sản phẩm, tập trung giảm các tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến khâu thải bỏ cuối cùng thông qua việc thiết kế sản phẩm hợp lý. Khi các DN thực hiện kỹ thuật này cùng một lúc đạt được lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường như: tiết kiệm được chi phí sản xuất thông qua việc cắt giảm lãng phí về nguyên vật liệu và năng lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy; thu hồi một số phế thải; tiết kiệm chi phí xử lý chất thải; cải thiện hình ảnh DN… Như vậy, SXSH có thể hiểu là hợp lý hóa các khâu sản xuất, nó phù hợp với tất cả các quy mô, từ hộ gia đình đến các công ty đa quốc gia. SXSH không chỉ bảo vệ môi trường, người tiêu dùng và người lao động mà đồng thời nâng cao được hiệu quả, lợi nhuận và sức cạnh tranh của các DN công nghiệp.

Đến nay, gần 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có các DN áp dụng thử nghiệm kỹ thuật SXSH và mang lại hiệu quả khá cao. Những DN này giảm được lượng nước, khí và chất thải rắn ra môi trường đáng kể. Đặc biệt, các dự án về SXSH đều hoàn vốn trong thời gian dưới 1 năm.