Chèo Tàu – Khôi phục hội hát trên vùng đất cổ

ThienNhien.Net – Trên đất Tổng Gối xưa kia (tức xã Tân Hội – huyện Đan Phượng, Hà Nội ngày nay), có một hội hát kéo dài tới 7 ngày, 7 đêm. Mỗi thế kỷ, hội hát chỉ vỏn vẹn được tổ chức 4 lần – đó là hội hát chèo Tàu. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, người dân Tân Hội vẫn giữ gìn chèo Tàu, một di sản văn hoá quý báu của ông cha.


Hiếm có hội hát nào trên đất nước Việt Nam lại kéo dài đến thế. Tên gốc của loại hình diễn xướng dân gian này là hát tàu tượng vì để biểu diễn người dân đóng những con voi và thuyền lớn bằng gỗ, người tham gia diễn xướng được phân vào các “vai” chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, quản tượng… đứng trên thuyền (tàu), trên voi (tượng) để hát theo những làn điệu cổ. Sau này, dân gian quen gọi là chèo Tàu.

Chèo Tàu chỉ duy nhất có ở một địa phương là xã Tân Hội. Ngày lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kết thúc vào 21. Trong suốt bảy ngày bảy đêm đó, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long thay nhau hát từ sáng đến đêm. Loại hình diễn xướng dân gian này được tổ chức trên một không gian rất rộng, gắn với hội làng. Ngày hội bắt đầu bằng việc làm lễ ở miếu Voi phục rồi tập trung tổ chức rước kiệu ra đình làng. Sau bài văn khấn của các chủ tế, chúa tàu, quản tượng cùng các ca nhi sẽ bắt đầu diễn xướng bằng các bài hát nghi lễ như: Khởi lễ, dâng rượu, chúc vua, ẩm phước khúc, lễ trình.

Trên mỗi thuyền đều có một bà chúa tàu độ tuổi 50 – 55, có thanh sắc, gia đình vẹn toàn, 12 cô gái tuổi từ 13-16 con nhà nề nếp làm cái tàu, con tàu. Cạnh đó là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi loa tù làm hiệu. Khi biểu diễn chúa tàu đánh thanh la, hai cái tàu lĩnh xướng, 10 con tàu hát họa theo. Riêng phần hát nghi lễ đã có tới 30 bài hát. Khi đêm xuống, những bài hát nghi lễ được thay bằng những bài hát giao duyên. Trong cuộc hát giao duyên này có thể dùng các lối hát khác như trống quân, sa mạc, lý giao duyên… làm cho cuộc đối đáp trở nên sinh động, phong phú hơn. Ngoài múa hát là các cuộc thi tài như chơi cờ, thổi cơm thi, đánh đu…

Nội dung tất cả các bài hát trong diễn xướng chèo Tàu đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối là cụ Văn Dĩ Thành. Mặc dù những câu hát đều ca ngợi Văn Dĩ Thành – thành hoàng của cả Tổng Gối, nhưng nguồn gốc về chèo Tàu còn nhiều ẩn số, lai lịch vị thành hoàng Văn Dĩ Thành mang nhiều tính huyền thoại. Trước đây, nhiều người cho rằng Văn Dĩ Thành là nhân vật huyền thoại. Nhưng những tư liệu mới nhất cho thấy, Văn Dĩ Thành vốn dòng dõi quan lại triều Trần. Sau khi nhà Hậu Trần mất, cụ đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại giặc Minh, đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa chính là Tổng Gối. Nghĩa quân của cụ mặc áo đen nên thời bấy giờ gọi là quân Hắc Y. Đạo quân Hắc Y từng làm quân Minh nhiều phen điên đảo. Tuy nhiên cuối cùng cuộc khởi nghĩa thất bại.

Sở dĩ chính sử cũng như những dấu vết về cuộc khởi nghĩa Hắc Y hầu như không được đề cập, vì sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, nhà Minh đã đàn áp dữ dội, khiến nhiều người phải thay tên đổi họ cũng như không dám lưu lại bất cứ dấu ấn nào của cuộc khởi nghĩa. Song, một số tư liệu được phát hiện trong thời gian gần đây, trong đó có cuốn sách cổ “Cối Lâm tiểu dẫn” đã ghi lại khá rõ ràng.

Ngoài “Cối Lâm tiểu dẫn”, một nguồn tư liệu góp phần khẳng định Văn Dĩ Thành là nhân vật có thật nữa là “Dư đồ trận”, cuốn sách này nói về những mưu lược đánh giặc của Văn Dĩ Thành. Bên cạnh đó, những địa danh của Tổng Gối, những câu truyện lưu truyền đều liên quan tới cuộc khởi nghĩa như xóm Ngõ Giặc, tương truyền xưa là nơi nhốt tù binh, ngõ Táng là nơi chôn cất các tử sĩ, xóm Ngõ Lương, là nơi cất lương thảo, xóm Ngõ Lý, là nơi giải quyết công việc hành chính… cũng là những tư liệu để chúng ta hiểu thêm về cuộc khởi nghĩ này.

Sau khi cụ Văn Dĩ Thành mất năm 1416, nhân dân đã kết hợp những truyền thống ca hát vốn có của vùng đất này, để tạo ra một lễ hội đặc biệt tưởng nhớ cụ với nội dung của tất cả các bài hát đều ca ngợi hoặc kể lại những công tích, những trận đánh thủa xa xưa của cụ. Lễ hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1683.

Do không gian thời gian lễ hội cực kỳ quy mô (huy động khoảng 200 người hát, việc tập luyện cũng rất công phu) nên xưa, cứ 25 năm hội hát chèo Tàu mới được tổ chức một lần. Lần quy mô cuối cùng là năm 1922. Sau hơn 70 năm gián đoạn, năm 1998, lần đầu tiên hội hát chèo Tàu được tái hiện. Từ đó đến nay, cứ hội làng, hội hát chèo Tàu được tổ chức. Tuy nhiên, chưa lần nào lễ hội được tổ chức quy mô lớn.

Để bảo tồn loại hình diễn xướng độc đáo này, Câu lạc bộ chèo Tàu Tân Hội đã được ra đời. Ngoài ra, dạy hát chèo Tàu cũng được đưa vào chương trình dạy học đối với các em học sinh tại xã Tân Hội. Nhưng việc bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Anh Đào Hà, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Tàu Tân Hội cho biết: “Để tổ chức được hội hát quy mô như xưa, đòi hỏi chi phí lớn. Sau khi gián đọan trong nhiều năm, phải mất khá nhiều thời gian tập luyện. Đặc biệt, với số lượng lớn người hát, kinh phí để may trang phục là rất lớn. Hiện Câu lạc bộ mới chỉ làm được một voi, một thuyền, trong khi đó, hội xưa là một đôi voi, một đôi thuyền. Hy vọng năm 2010 nhân dịp Đại Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí để hội được tổ chức thật quy mô”.