Tác động của cúm A/H1N1 với kinh tế thế giới

ThienNhien.Net – Phân tích khả năng tác động của đại dịch cúm A/H1N1 lên nền kinh tế thế giới hiện nay, ông Nicolas Bouzou – Giám đốc cơ quan nghiên cứu Asterès của Pháp, cho rằng, đại dịch này nếu kéo dài có thể sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế, song không đến nỗi bi quan như dự đoán.


Theo ông Bouzou, một năm sau khi ngân hàng Mỹ – Lehman Brothers phá sản và vài ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh (Mỹ), người ta đề cập về sự điều tiết và tính thanh khoản toàn cầu không nhiều như ảnh hưởng của cúm A/H1N1 đối với thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế hiện nay.

Một số người còn lo ngại rằng dịch bệnh này có thể sẽ “bóp chết” từ trong trứng nước hy vọng phục hồi kinh tế mà ai cũng tin rằng đã nhìn thấy từ sau cơn bão suy thoái nghiêm trọng kéo dài 12 tháng qua.

Đối với các nước, chắc chắn một khi dịch bệnh lây lan rộng, các phân đoạn của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ. Các nhà máy, trường học sẽ đóng cửa, cha mẹ phải trông giữ con em mình ở nhà, các công ty sẽ hủy bỏ những chuyến công du ra nước ngoài để làm ăn…

Tuy nhiên, ông Bouzou cho rằng cũng không nên quá bi quan về những triển vọng này vì để thích ứng với tình hình, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm những phương thức làm việc mới.

Đại dịch cúm A thậm chí có thể mở ra cơ hội để áp dụng phương thức làm việc từ xa, hoặc làm việc theo thời gian thích hợp (để tránh tình trạng tập trung nhiều người trong văn phòng cùng một lúc).

Ngoài ra, những “lỗ hổng” trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ chỉ là tạm thời, do đó hậu quả kinh tế cũng chỉ tương đương với các cuộc đình công. Thời gian bị mất do công nhân nghỉ việc trong tháng 9 và tháng 10 sẽ được lấy lại sau đó và đây là những gì đã được trải nghiệm ở châu Á trong thời điểm bệnh SARS hoành hành năm 2003.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), sự phát triển của đại dịch cúm sẽ tác động lên GDP. Tuy nhiên, từ một thế kỷ qua, khoa học cũng như công tác phòng chống dịch bệnh đã phát triển không ngừng nên cũng góp phần hạn chế những tác động của bệnh dịch đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ổ dịch cúm Hongkong năm 1968-1969 đã giết chết một triệu người, và khiến GDP toàn cầu giảm 0,7%. Trong khi trước đó, dịch cúm châu Á năm 1957 làm cho kinh tế thế giới giảm khoảng 2%. Thậm chí, đại dịch năm 1918 đã khiến thế giới phải trả giá bằng 5% GDP và khoảng 50 triệu người chết.