ThienNhien.Net – Mùa mưa chưa qua và những cơn mưa bất chợt có thể gây họa bất cứ lúc nào đối với vùng núi cao, vùng đất núi có độ dốc lớn, đặc biệt đối với những vùng đã xuất hiện những vết nứt đất. Ấy vậy mà một số vùng ở Hà Giang người dân và cả chính quyền cấp cơ sở vẫn còn chủ quan trước hiểm hoạ rình rập cận kề.
Tại bản Thèn Ván, trung tâm xã Pà Vầy Sủ, huyện vùng cao Xín Mần xuất hiện vết nứt đất từ cuối năm 2008. Đến nay, qua gần một mùa mưa vết nứt này đã há miệng rộng từ 2,5m đến hơn 3m, kéo dài vết nứt đến hơn 200m và sụt lún đến hơn 3m.
Khi xuất hiện vết nứt, 2 ngôi nhà dân nằm dưới vết nứt đã được khẩn cấp di dời và phía trên vết nứt là hơn 10 hộ dân người Mông của bản cũng sơ tán từng phần. Gần vết nứt khoảng từ 4 đến 6m, ngoài một Trạm xá xã xây dựng kiên cố 2 tầng là hệ thống lớp học của trường tiểu học xã và nhà lưu trú cho giáo viên và các em học lớp bán trú dân nuôi ăn ở, sinh hoạt. Do có vết nứt, thầy trò và trạm xá đều sơ tán tạm trong nhà dân, nhưng sau đó không thấy đất lún trượt lở nhiều, nên trạm xá và trường học đều hoạt động trở lại tại nơi cũ.
Hơn một năm trôi qua nhưng việc gia cố, khắc phục vết nứt vẫn chưa triển khai đảm bảo an toàn được là bao. Trong khi đó, năm học mới này gần 500 học sinh và gần 20 giáo viên vẫn phải dạy, học và sinh hoạt ngay trên vết nứt đất. Việc họ có thể làm là phân trực mỗi khi có mưa và báo động sơ tán khẩn cấp người ra khỏi vùng có nguy cơ trượt lở đất cao.
Tại bản Đán Khao, xã Bản Ngò (huyện Xín Mần) vết nứt đất núi cũng đã há miệng rất rộng. Trên 50 hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ và các lực lượng đến giúp di dời tới nơi ở mới nhưng người dân vẫn chủ quan lên canh tác, thu hái hoa màu, rồi nghỉ qua đêm ngay dưới vết nứt đất.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cơ sở cần có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn việc để dân trở lại nơi ở cũ đang có nguy cơ trượt lở đất cao và có kế hoạch khắc phục nhanh để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.