Nghiên cứu sản xuất vải kháng khuẩn chống thấm

ThienNhien.Net – Lần đầu tiên vấn đề nghiên cứu sản xuất vải kháng khuẩn ở Việt Nam đã được thực hiện thông qua đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vải kháng khuẩn chống thấm dùng trong lĩnh vực y tế” do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Khanh – Khoa Công nghệ Dệt may và Thời trang – Đại học Bách Khoa Hà Nội làm chủ đề tài, tiến hành từ tháng 01/2007 đến tháng 03/2009.


Qua khảo sát thực tế tại một số bệnh viện, tác giả và các cộng sự nhận thấy môi trường bệnh viện có tác nhân lây nhiễm bằng cả nguồn nội sinh và ngoại sinh, đường lây nhiễm chủ yếu qua không khí hoặc tiếp xúc qua da.

Do vậy, bộ trang phục nhân viên y tế phải có chức năng bảo vệ người sử dụng. Yêu cầu đặt ra cho loại vật liệu làm trang phục này phải đảm bảo tính vệ sinh để đảm bảo nguy cơ phát triển vi khuẩn hoặc nhiễm khuẩn, đồng thời phải có độ bền nhất định, có tính thoáng khí, có tính truyền nhiệt, khả năng thẩm thấu mồ hôi, tính thấm nước tốt…

Bằng các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm qua nhiều công đoạn, đề tài đã lựa chọn được một trong những loại vải thích hợp nhất là vải bông pha polyeste cho xử lý đạt mức tối ưu về các chỉ tiêu kháng khuẩn, chống thấm. Loại vải đa chức năng này đã được sử dụng để thiết kế trang phục bảo vệ cho bác sĩ phẫu thuật, gồm 2 lớp (lớp mặc trong không xử lý) lớp mặc ngoài (vải đa chức năng kháng khuẩn chống thấm).

Kết quả đánh giá, qua lấy ý kiến của 26 bác sĩ, y tá phòng mổ Quân y Viện 103, cho thấy chỉ số chất lượng tổng hợp của bộ quần áo sử dụng vải do đề tài làm ra cao gấp 2,8 lần so với bộ quần áo đang được sử dụng và cao gấp 1,64 lần so với trường hợp sử dụng vải 1 chức năng (kháng khuẩn hoặc chống thấm).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập các loại quần áo kháng khuẩn để cung cấp cho các nhiệm vụ rất cấp bách như dịch SARS, dịch cúm… với giá rất cao, khoảng 1,2 triệu đồng/bộ hoặc 60.000 đồng/bộ mặc một lần.

Theo tính toán, bộ phần áo làm ra của đề tài có giá thành bằng 66% giá nhập ngoại. Nếu tiến hành sản xuất trên lô sản phẩm lớn, giá thành bộ quần áo sẽ còn khoảng 30% so với nhập ngoại.

Tại Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu như Đan Mạch, Pháp, Thụy Sĩ, vải kháng khuẩn đã được nghiên cứu phát triển mạnh và đạt được những kết quả đáng kể (tất có thể dùng liên tục trong 3 ngày vẫn không có mùi hôi, độ bền kháng khuẩn của các sản phẩm giữ được sau 50 lần giặt…).

Các số liệu khảo sát cho thấy ngay từ năm 2000, nhu cầu về sản phẩm dệt may kháng khuẩn dân dụng chiếm tỷ trọng tới 93%, lĩnh vực kỹ thuật chỉ chiếm 7% trong tổng sản phẩm dệt may kháng khuẩn với khoảng 30.000 tấn/năm.

Đồng thời, cũng có nhiều sản phẩm đòi hỏi tính năng vừa kháng khuẩn vừa chống thấm như các loại sản phẩm kháng khuẩn dùng trong bệnh viện, quần áo bảo vệ, bọc đệm, một số sản phẩm nội thất nhà và ôtô….