ThienNhien.Net – Trong 2 năm 2008-2009, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT) tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn với 5 hộ tham gia. Mục tiêu của mô hình đưa các giống lợn ngoại có chất lượng, tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản khá như Landrace, Yorkshire…
Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong quá trình triển khai mô hình về: chọn giống, phát hiện động dục, phối giống, chế biến thức ăn cho lợn nái, chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái hậu bị, nái chửa, đỡ đẻ, chăm sóc cho lợn, các biện pháp phòng chống ịch bệnh, cai sữa sớm cho lợn con…
Qua gần 2 năm triển khai đến nay lợn nái tại các hộ đã đẻ được 4-5 lứa. Bình quân một lứa đạt 9 lợn con, trọng lượng sơ sinh, trọng lượng sau cai sữa, tốc độ sinh trưởng… đều đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của mô hình.
Ở thị trấn Tây Sơn trước đây người dân chủ yếu nuôi lợn nái Móng cái, hay những hộ có điều kiện nuôi lợn lai F1 (MCx Yorkshire)… nên năng suất, chất lượng, tỷ lệ nạc ở lợn thương phẩm không cao. Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc đảm bảo VSMT đưa là giống lợn nái ngoại có năng suất, chất lượng cao hơn, đó là: lợn thuần Yorkshire, Landrace, hoặc con lai 2 máu (Yorkshire x Landrace) nên có ưu điểm vượt trột hơn những giống lơn người dân đã nuôi trước đây về: tốc độ sinh trưởng nhanh, đẻ nhiều con, tỷ lệ nạc cao,…
Theo các hộ nông dân tham gia mô hình nếu chăn nuôi lợn nái ngoại áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống lợn F1 cùng mức đầu tư và quy trình chăm sóc, hơn thế nữa thông qua mô hình tạo nguồn giống tốt đảm bảo an toàn dịch bệnh tại chỗ cho các hộ nông dân các xã lân cận phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm.
Bên cạnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cán bộ kỹ thuật Trung tâm còn trực tiếp hướng dẫn xây dựng bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Hầm biogas dạng hình vòm cầu (áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp&PTNT ban hành) nên hiệu quả xử lý chất thải tốt, tạo ra áp suất khí cao. Trước đây, khi chưa xây dựng bể biogas lượng phân, nước tiểu người chăn nuôi thải ra khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng hầm biogas, chất thải đã xử lý, hạn chế được ô nhiễm, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Ngoài việc xử lý chất thải hầm biogas còn cung cấp lượng khí gas để phục vụ đun nấu và thắp sáng hàng ngày vì vậy tiết kiệm một số tiền khá lớn cho người dân.
Bà con nông dân thị trấn Tây Sơn rất phấn khởi trước những kết quả bước đầu của mô hình. Chị Trần Thị Thanh, (khối 2) thị trấn Tây Sơn cho hay, gia đình chị thường xuyên nuôi từ 20-25 con lợn thịt và lợn nái lai F1. Trước đây, hàng ngày toàn bộ phân thải, nước rửa chuồng lợn đều thải ra ruộng, xuống ao hồ gây ô nhiễm. Đặc biệt những lúc thời tiết thay đổi mùi phân nồng nặc bốc lên chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Giờ đây, có bể biogas không chỉ hạn chế sự ô nhiễm môi trường mà còn được sử dụng khí để đun nấu, thắp sáng thoải mái, không phải dùng đến trấu, củi và giảm tiền điện thắp sáng, tiền mua chất đốt mà rất thuận tiện cho việc nấu nướng và giải quyết được lượng phân thải của đàn gia súc vốn nồng mùi, đầy ruồi nhặng quanh nhà.
Qua những kết quả bước đầu và sự đánh giá của người dân cho thấy, mô hình chăn nuôi lợn tại thị trấn Tây Sơn rất phù hợp và hiệu quả cho người nông dân, đó là: Khi đưa giống lợn nái ngoại đã giúp cải thiện được chất lượng đàn lợn nái, tạo nguồn giống tốt tại chỗ cho các hộ nông dân phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng đàn lợn của tỉnh nhà.
Thông qua mô hình này, đã góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho người nông dân của huyện miền núi Hương Sơn, đặc biệt đã từng bước chuyển phương thức chăn nuôi từ quảng canh sang thâm canh mang lại hiệu quả cao và đưa ngành chăn nuôi lợn tỉnh nhà phát triển bền vững. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mà còn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho xã hội.