Du lịch không phải là "gà đẻ trứng vàng"

ThienNhien.Net – Trái với niềm tin của các nước đang phát triển rằng du lịch là động lực mạnh mẽ đối với sự tăng trưởng kinh tế, Anita Pleumarom, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề của các nước đang phát triển, khẳng định đã đến lúc phải chấm dứt việc đơn thuần coi du lịch là một “con gà đẻ trứng vàng” cần được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng bất cứ giá nào.

Anita cho rằng những mục tiêu và thông điệp như ‘xóa đói giảm nghèo’, ‘phát triển bền vững’, ‘thương mại bình đẳng’, ‘hội nhập’, ‘điều hành hiệu quả’, ‘trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp’ và ‘tạo dựng hòa bình’ mà ngành du lịch truyền bá không khác nào những diễn thuyết nghe có vẻ đầy tính hùng biện. Thực tế đằng sau những ngôn từ hào nhoáng ấy rất khác biệt?

Điều mà có thể thấy rõ là càng nhiều nhà lãnh đạo du lịch tuyên bố sẽ bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên thì sự mất cân bằng sinh thái lại càng trầm trọng bởi việc xây dựng liên tiếp và bừa bãi các cơ sở hạ tầng cho du lịch. Cộng đồng càng được rao giảng rằng du lịch sẽ thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau thì trên thực tế thế giới đang ngày càng bị chia rẽ bởi ‘chiến tranh khủng bố” và các chế độ độc tài xâm phạm quyền con người. Càng có nhiều nhà lãnh đạo ủng hộ các chính sách du lịch như là một phương thức giảm đói nghèo thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngay tại nước đó và giữa các nước ngày một lớn hơn do tự do hóa kinh tế một cách thiếu công bằng và bất hợp lý.

Trong khi người dân những nước giàu đang chìm ngập trong tiêu sài thừa mứa dẫn đến hủy hoại điều kiện sống của chính họ và các cộng đồng khác thì cư dân ở những nước kém phát triển hơn và những nước nghèo nhất lại chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong số của cải mà quá trình tăng trưởng tư bản tạo ra.

Du lịch – ngành kinh doanh toàn cầu

Ngày nay, thật dễ dàng để con người có thể đi dọc ngang địa cầu tìm kiếm một thiên đường kì thú, thỏa mãn mọi nhu cầu từ mua sắm, du lịch, giải trí đến nghỉ dưỡng, chữa bệnh… Du lịch thực sự đã trở thành một ngành kinh doanh toàn cầu có thể biến mọi thứ trên trái đất – kể cả những lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm – trở thành hàng hóa.

Hầu hết du khách không muốn bị thức tỉnh bởi thực tế rằng họ đang nuôi dưỡng một ngành công nghiệp hàng tỉ đô la và góp phần tạo nên những hình thái tiêu thụ và sản xuất thiếu bền vững. Và cũng là lẽ thường tình khi rất ít người nhận thức được rằng, chính người nghèo mới là những người sẽ phải trả những cái giá về xã hội và môi trường do tác động của phát triển du lịch thái quá.

Theo Hiệp hội Du lịch Thế giới (WTTC), lao động trong ngành du lịch và lữ hành hiện tại là khoảng 231 triệu người và tạo ra 10,4% GDP của thế giới.

Một viễn cảnh viển vông

Tuy nhiên, những số liệu thống kê đầy tích cực được công bố bởi WTTC và UNWTO lại dự báo một viễn cảnh viển vông về đóng góp của ngành du lịch đối với riêng các nước thứ ba.

Những số liệu ấy chỉ nhằm biện minh cho những chi phí phát triển cơ sở hạ tầng đắt đỏ chủ yếu mang lại lợi ích cho những nước đi đầu trong đầu tư phát triển du lịch. Rất nhiều các dự án du lịch được thực hiện nhờ các khoản vay bên ngoài, khiến những nước nghèo càng ngập sâu vào khủng hoảng nợ nần, trong khi các nguồn cung hàng và trang thiết bị sử dụng cho các dự án này đều được nhập khẩu, thậm chí cả cán bộ công nhân viên trong phát triển các dự án du lịch này cũng được mời từ nước ngoài.

Trong lúc đó các chính phủ ngày càng thờ ơ trước những nhu cầu thiết yếu của dân cư địa phương. Một ví dụ điển hình là ngay sau những thảm họa về động đất và sóng thần năm 2004, Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ đã đã dùng phần lớn tiền cứu trợ và tiền thuế của người dân để giúp ngành du lịch lấy lại chỗ đứng, trong khi nông dân và ngư dân địa phương phải di dời và đến nay, những nạn nhân bất hạnh của đợt sóng thần này vẫn đang chưa được cung cấp nhà ở ổn định, nguồn nước, dịch vụ xã hội và các cơ hội để tái tạo dựng sinh kế cho mình.

Những khoản tài chính rò rỉ và bất công trong du lịch

Ngành du lịch là một ‘cái máy quay tiền lớn’ nhưng người dân địa phương lại không nhận được sự chia sẻ công bằng từ nguồn thu này bởi hầu hết doanh thu từ du lịch bị hút hết vào túi các nhà đầu tư thành thị và nước ngoài. Ngành du lịch hiển nhiên tạo điều kiện cho những khoản ‘rò rỉ’ tài chính, đồng thời gây ra sự mất cân bằng và công bằng trong phân bổ thu nhập.

Theo những số liệu thống kê hiện nay do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tổng hợp, rò rỉ tài chính trong ngành du lịch chiếm khoảng 85% ở các nước kém phát triển nhất khu vực Châu Phi (LDC), chiếm khoảng hơn 80% ở Caribbean, 70% ở Thái Lan và 40% ở Ấn Độ.

Toàn cầu hóa chỉ làm tồi tệ thêm điều kiện kinh tế ở các nước nghèo. Những đàm phán về du lịch trong các Hiệp định thương mại tự do (GATS) cũng như các hiệp định song phương và Hiệp định thương mại tự do khu vực (FTA) của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đã được các nước, đặc biệt Mỹ và Liên minh Châu Âu sử dụng để tăng áp lực lên chính phủ các nước đang phát triển nhằm hủy bỏ các rào cản về quyền sở hữu nước ngoài và cho phép các công ty liên quốc gia trong ngành tự quản lý nhiều hơn. Kết quả là các ngành công nghiệp liên quan đến du lịch ở những nước đang phát triển phải trải qua những thương vụ và các cuộc sát nhập chưa từng có, ép các ngành kinh doanh địa phương vốn chỉ được trang bị nghèo nàn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh sinh tử mà ưu thế rõ ràng thuộc về các hãng du lịch lớn của nước ngoài.

Những năm gần đây, ngành du lịch bắt đầu được coi là một ngành công nghiệp độc lập và có rủi ro cao. Tần suất gia tăng của những thảm họa tự nhiên và thảm họa do con người tạo ra cùng giá dầu leo thang, sự biến động của tỉ giá hối đoái và những xáo trộn về chính trị đã bộc lộ rõ tính dễ tổn thương của ngành dịch vụ này.

Trớ trêu thay, ngành du lịch lại đang đóng góp một phần đáng kể làm cho cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một tồi tệ, vốn đang tác động đến ngành này như một quả bom nổ chậm, khi mà rất nhiều những địa điểm du lịch tất yếu sẽ bị phá hủy bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Trong khi các hãng du lịch lớn luôn phản ứng nhanh lẹ với những sự cố bất ngờ nhờ đầu tư vào các hệ thống cảnh bảo thảm họa, các kế hoạch an ninh chống khủng bố, thì đối với những nước nghèo, các biện pháp giảm nhẹ và thích nghi này lại thường bị trì hoãn vì thiếu nguồn vốn và do các thiếu sót khác của chính phủ.

Những tác động đến lao động

Ngành du lịch được nhìn nhận là một cơ hội lớn cho người lao động tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận rằng, lao động trong ngành này thường gắn liền với sự thiếu ổn định, thường chỉ là lao động theo mùa vụ, bán thời gian và tỉ lệ nhân viên thay thế rất cao.

Mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về tỉ lệ người lao động mất việc trong ngành du lịch, nhưng số lượng lớn những người dân địa phương di cư khỏi các trung tâm du lịch đã chứng minh rằng ngành du lịch đang làm mất đi số lượng việc nhiều hơn là nó tạo ra.

Bên cạnh đó, bất chấp những xu hướng mới về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), tình trạng bóc lột người lao động trong ngành du lịch vẫn còn rất phổ biến, thường dưới dạng lợi dụng nhân công nhập cư rẻ mạt, điều kiện lao động tồi tệ và không có công đoàn bảo vệ người lao động.

Lao động nữ trong ngành này thường phải làm những công việc có thu nhập thấp nhất và bị đối xử rất thiếu bình đẳng. Thêm vào đó, ngành du lịch ở nhiều nơi đã khởi nguồn cho sự hình thành mại dâm. 

Sự xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống có thể thấy rõ tại các điểm du lịch do sự thương mại hóa quá mức. Ngoài ra, ngành du lịch nói chung, kể cả du lịch sinh thái, đều khai thác những cộng đồng địa phương bản địa và văn hóa của họ, biến họ thành những thứ triển lãm mua vui cho khách du lịch.

Chính vì những lí do trên mà các nhóm bảo vệ quyền của người bản xứ đã lên án du lịch như một hình thức đe dọa phát triển. Nhấn mạnh những vụ xâm phạm quyền sử dụng đất và xâm phạm sinh học, các nhóm này đã tỏ ra quan ngại sâu sắc về cách tiếp cận của ngành du lịch sinh thái bởi nó đang đe dọa chủ quyền của người dân bản xứ và làm trầm trọng thêm những căng thẳng và xung đột trong cộng đồng.

Tác động môi trường

Phát triển du lịch bền vững sẽ vẫn là một câu chuyện hoang đường nếu người ta tiếp tục phá hủy đất đai, hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học. Mặc cho những nỗ lực ‘phủ xanh’ của ngành công nghiệp này, đất nông nghiệp vẫn đang bị xóa sổ, những cánh rừng vẫn bị chặt phá, núi non bị san phẳng, những bãi biển bị đào bới và những rạn san hô bị phá hủy để cung cấp nguồn lực cho những tổ hợp du lịch khổng lồ.

Hơn thế nữa, ngành du lịch đang góp phần tăng tốc quá trình đô thị hóa thiếu bền vững, cụ thể là góp phần làm tăng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ô nhiễm rác thải và chất thải chưa xử lí. Nó cũng góp phần làm suy giảm và suy thoái những nguồn nước khan hiếm.

Mức tiêu thụ năng lượng lớn, mức phát thải khí nhà kính cao cho giao thông vận tải của ngành du lịch, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của du lịch hàng không đã góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu.

Với tất cả những ảnh hưởng nghiêm trọng nói trên, nên coi ngành du lịch như một “con gà đẻ trứng vàng” cần phải được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng mọi giá. Đặc biệt là trong giai đoạn cận kề khủng hoảng môi trường và xã hội này, chính phủ và các cơ quan liên chính phủ như Liên hợp quốc nên ưu tiên những nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là an ninh lương thực. Những nhà hoạch định chính sách nên tiếp cận một cách có trách nhiệm hơn với ngành du lịch, bằng cách tạo nên các khuôn khổ pháp lí và quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời bảo đảm khả năng thực thi những quy định này trong ngành du lịch.

Những sáng kiến về chính sách để các công ty tự nguyện thực hiện như nguyên tắc chỉ đạo, nguyên tắc hành vi, chiến lược cấp phép không phải là phương pháp hiệu quả nhất để đương đầu với những vấn đề liên quan đến ngành du lịch. Thay vào đó, cái mà chúng ta cần là một cách tiếp cận phát triển lấy con người làm trung tâm với mục tiêu thay đổi hoàn toàn những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và phục hồi lại những giá trị công bằng, dân chủ và tự quyết trong phát triển – một cách tiếp cận cho phép cộng đồng dân cư thu hồi lại đất đai và nguồn tài nguyên đã bị lấy đi một cách bất công, cải tạo lại môi trường mà nhà tư bản tham lam đã tàn phá và làm sống lại truyền thống cũng như những giá trị văn hóa đã bị bóp méo vì mục đích lợi nhuận.