ThienNhien.Net – Chiều 15/09, tiếp kiến Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Giáo sư Morihiko Hizamatsu, Chủ tịch Hiệp hội Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản đã giới thiệu phương thức triển khai mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” tại Nhật Bản và mong muốn được chia sẻ với Việt Nam để tổ chức và nhân rộng.
Là người đầu tiên đề xướng mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” tại tỉnh Oita – Nhật Bản, Giáo sư Morihiko Hizamatsu cho biết, tinh thần chính của phong trào không chỉ tạo ra sản phẩm làm quà tặng lưu niệm cho du khách mà còn thể hiện đặc trưng của chính địa phương mình giới thiệu ra thế giới.
Theo Giáo sư Morihiko Hizamatsu, nông dân đã tập hợp lại thành các hợp tác xã để tự làm ra sản phẩm. Từ việc đưa sản phẩm thô ra bán cho các thương lái (là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất), người nông dân đã tự chế biến, sản xuất thành sản phẩm của riêng địa phương mình. Từ đó giá trị nông sản của tỉnh Oita – Nhật Bản đã tăng từ 2 – 3 lần so với trước đây.
Nguyên tắc của mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” trước hết là làm cho nông sản mang tính địa phương, lấy đặc trưng của sản phẩm là nhân tố chính. Không dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người nông dân phải sáng tạo, tự chủ. Giáo sư Morihiko Hizamatsu cho rằng, vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương chỉ là hỗ trợ người nông dân nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tổ chức cho nông dân bán sản phẩm, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng…, không hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Đánh giá cao những giá trị nông sản truyền thống của Việt Nam, Giáo sư Morihiko Hizamatsu mong muốn được giúp đỡ Việt Nam tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình trên; đồng thời mời Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế tại đảo Bali – Indonesia tháng 11 tới về giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và truyền thống của mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ cử đoàn sang Bali – Indonesia để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của làng nghề Việt Nam. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản, cho đây là mô hình tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.
Phó Thủ tướng cho biết, lao động nông thôn Việt Nam hiện nay chiếm 70% dân số, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn khá lớn, thời gian nông nhàn nhiều, từ đó dẫn đến việc người nông dân thiếu việc làm. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Việt Nam hiện có rất nhiều chương trình tập trung giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, 2/3 lao động nông thôn sẽ chuyển hướng làm công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” theo mô hình của Nhật Bản cũng được triển khai thực hiện, trong đó lấy xã làm điểm, tổ chức các làng nghề. Ngoài ra, còn có chương trình đào tạo 1 triệu lao động nông thôn, khuyến nông-lâm-ngư đến từng hộ gia đình, xây dựng làng văn hóa ở nông thôn… Ở đây, Nhà nước chỉ góp phần xây dựng hạ tầng xã hội.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, làng nghề của Việt Nam còn tồn tại một số nhược điểm như sản lượng sản phẩm nhiều nhưng chất lượng chưa cao; sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp; sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế… Do đó, Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gợi ý, Việt Nam mong muốn tổ chức Hội thảo quốc tế và giới thiệu, giao lưu các sản phẩm truyền thống của Việt Nam với các nước trên thế giới vào tháng 11/2010, góp phần chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai tốt mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” không chỉ giữ gìn dưới góc độ vật thể mà còn là việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mỗi nước, góp phần kết hợp với du lịch xanh, bảo vệ môi trường.