ThienNhien.Net – Lỗ thủng tầng ôzôn được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên năm 1987 ở Nam Cực đã làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người. Đó cũng là lý do ra đời của Nghị định thư Montreal năm 1987, thể hiện quyết tâm toàn cầu trong việc bảo vệ tầng ôzôn. Năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố lấy ngày 16-9 hàng năm là ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn nhằm kỷ niệm ngày ký kết nghị định thư Montreal. Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay là “Bảo vệ tầng ôzôn kết nối toàn cầu”.
Nghị định thư Montreal – Điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất
Nghị định thư Montreal ra đời nhằm hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất các-bon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ôzôn khác như tetraclorit các-bon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform để bảo vệ tầng khí quyển có chức năng lọc ánh sáng mặt trời, ngăn chặn bức xạ tia cực tím có hại chiếu xuống, bảo vệ sự sống trên trái đất.
Nghị định thư Montreal được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự đồng thuận và tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng được tất cả các ngành, tập đoàn công nghiệp và người dân toàn cầu ủng hộ.
Thực tế cho thấy 169 thành viên của Nghị định thư Montreal, cả các nước phát triển và đang phát triển đều đang rất nỗ thực thực hiện các cam kết của mình. Kết quả này có được một phần nhờ cơ chế mềm dẻo, linh hoạt và có ưu tiên các nước đang phát triển của Nghị định thư, kết hợp với các biện pháp được áp dụng đồng bộ từ chính sách, công nghệ tới thương mại… nhằm loại trừ các chất suy giảm tầng ôzôn ở cả hai mặt cung và cầu.
Trong vòng 20 năm qua, thông qua Quỹ Đa phương về ôzôn, các nước phát triển đã hỗ trợ gần 3 tỷ USD cho các nước đang phát triển nhằm phát triển công nghệ, hướng tới loại trừ hoàn toàn các chất gây suy giảm tầng ôzôn.
Theo ước tính của các nhà khoa học, kể từ tháng 1/1/2010, khoảng 1,5 tỷ tấn các chất làm suy giảm tầng ôzôn nhóm CFC, halon và CTC sẽ được loại trừ hoàn toàn trên thế giới, giảm phát thải khoảng 25 tỷ tấn CO2 tương đương, đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu (các chất làm suy giảm tầng ôzôn cũng là các khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu cao gấp hàng nghìn lần CO2).
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu không có nghị định thư Montreal, bầu khí quyển của chúng ta đã phải hấp thụ một lượng khí nhà kính cao gấp đôi hiện nay. Bên cạnh đó, nghị định thư Montreal ra đời còn giúp thế giới tránh được hàng chục triệu ca ung thư da, tiết kiệm khoảng 4.200 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe từ năm 1990 đến 2065.
Nỗ lực bảo vệ tầng ôzôn của Việt Nam
Việt Nam chính thức phê chuẩn Nghị định thư Montreal vào tháng 1 năm 1994. Nhờ các chính sách cương quyết của Chính phủ, nỗ lực của Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan liên quan, sự tham gia của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người tiêu dùng cùng hỗ trợ tài chính của quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn.
Trong thập kỷ 90, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 500 tấn CFC, 4 tấn holon và gần 400 tấn methyl bromide – những chất gây suy giảm tầng ôzôn. Song nhờ những nỗ lực giảm thiểu, trên 200 tấn CFC 12 (chiếm gần 1/2 tổng số CFC được sử dụng trong cả nước) đã được loại trừ và đến thời điểm này không còn doanh nghiệp nào tại Việt Nam sử dụng CFC trong sản xuất mỹ phẩm.
Ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hy vọng với nỗ lực toàn cầu, tầng ôzôn sẽ được hoàn nguyên trong tương lai không xa” (Ảnh chụp tại cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí nhân ngày Quốc tế bảo vệ tầng ôzon 16/09/2009 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội – ThienNhien.Net) |
Lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí cũng đạt được những kết quả khả quan với việc giảm trung bình mỗi năm 3,6 tấn CFC 11 trong ngành dệt may, 5,8 tấn CFC 12 trong sử dụng điều hoà không khí ô tô và 40 tấn CFC trong các thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng.
Đến năm 2009, Việt Nam chỉ còn nhập khẩu 10 tấn R-12 (chất làm suy giảm tầng ozôn nhóm CFC) và bắt đầu từ 1/1/2010 toàn bộ các chất nhóm CFC sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Mặc dù có những thành công nhất định, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc loại trừ chất phá hủy tầng ôzôn theo lộ trình của nghị định thư Montreal. Lượng sử dụng các chất HCFC ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 3000 tấn và sẽ còn tăng trong thời gian tới, chủ yếu là R-22 trong làm lạnh và điều hòa không khí. Theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 20 triệu USD trong vòng 15-20 năm tới để loại trừ hoàn toàn sử dụng các chất HCFC.
Các biện pháp chính sách nhằm đảm bảo hạn định về loại trừ các chất HCFC giai đoạn 2010-2030 của Nghị định thư Montreal sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Không thể phủ nhận sự ủng hộ toàn cầu đối với nghị định Montreal, song để mỗi công dân toàn cầu có thể góp sức mình đối với việc bảo vệ môi trường nói chung và tầng ôzôn nói riêng, những việc làm thiết thực dù nhỏ bé vì môi trường là rất cần thiết. Với riêng Việt Nam, để thực hiện được điều này, ngoài những nỗ lực của chính phủ và toàn dân, công tác tuyên truyền về môi trường, về bảo vệ những hệ sinh thái thiết yếu và điều kiện sống quan trọng của loài người như tầng ôzôn cần được đẩy mạnh hơn nữa.