ThienNhien.Net – Dòng Mê Kông đổ về phía nam Việt Nam chia thành 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu. Dòng nước mang phù sa, nguồn lợi tôm cá ăn thông ra biển thành 9 cửa sông, tạo nên vùng châu thổ Cửu Long trù phú, sung túc bao đời “trên cơm, dưới cá”. Song thiên nhiên dù hào phóng đến mấy cũng đến lúc cạn kiệt nếu con người không biết trân trọng, nâng niu. Những tác động vô tình hay hữu ý của con người dọc dòng sông Mê Kông, từ thượng lưu tới hạ nguồn đã, đang và sẽ trả lại con người bằng những hậu quả nhãn tiền. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), hạ nguồn của con sông Mê Kông, hiện nay nguồn cá suy giảm khiến ngư dân không thể sống dựa hoàn toàn vào nguồn lợi cá tự nhiên nữa, trong khi việc nuôi trồng thủy sản cũng vấp phải muôn vàn khó khăn.
Làng chài không chài lưới
Khai thác thủy sản tự nhiên là một trong những ngành nghề chính và có thế mạnh của cư dân ĐBSCL. Nhiều làng chài lưới nơi đây nổi tiếng một thời với nghề đánh bắt trên sông, nhưng nguồn lợi cá cạn dần đang khiến những làng chài trù phú, tấp nập ngày nào giờ teo tóp cùng thời gian.
Đối diện với bến Ninh Kiều thơ mộng (TP. Cần Thơ) có một cồn đất nổi lên thành làng xóm. Nơi đây người dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Hậu nên còn có tên Xóm Chài. Trước, Xóm Chài đông đúc với hàng ngàn hộ dân đánh bắt tấp nập trên sông, nay chỉ còn lác đác vài chục hộ còn bám trụ với nghề vì cá tôm mỗi ngày một ít, bữa có bữa không.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh ở Xóm Chài tâm sự: “Chài lưới hồi này làm ăn không đủ no đừng nói gì đến khá giả. Phần đông người trẻ phải làm nghề khác để nuôi sống gia đình”.
Những lão ngư ven sông rạch vùng ĐBSCL giờ đây đang đau đáu hoài niệm một thời cá tôm đầy sông. Bà Trần Thị Ngàn, 55 tuổi, ở rạch Bảy Giá thông ra cửa Trần Đề thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú (Sóc Trăng) hồi tưởng: “Trước đây, một xuồng chài lưới nuôi sống cả gia đình. Hồi còn nhỏ, tôi theo cha mẹ ra cửa Trần Đề đánh lưới, quăng chài, bủa câu bắt được rất nhiều cá. Thậm chí, cá tôm nhảy lên xuồng nộp mạng. Còn bây giờ, nghề chài lưới không đủ sống. Vợ chồng tôi đã bán ghe lên bờ. Ba đứa con nhà tôi có gia đình, trước cũng mua sắm ghe xuồng đánh bắt tôm cá giờ cũng phải bán tháo để lên bờ tìm kế sinh nhai rồi.”
Đặt vó bắt cá, tôm trên sông Hậu |
Cù lao Tân Lộc nằm kẹp giữa 2 nhánh sông Hậu, là một dải đất khá rộng với khoảng 7.100 hộ dân sinh sống. Nhiều cụm dân cư ven sông nổi tiếng với nghề khai thác cá tự nhiên đã hình thành nên những Xóm Câu, Xóm Chài, Xóm Lưới…
Dạo Xóm Câu một buổi chiều, thấy nhà nào cũng chất đầy lưới. Vì sao đã mang tên Xóm Câu mà nhà nào cũng chất đầy lưới thế này? Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, ông Phạm Văn Chuẩn, 54 tuổi, ở Rạch Đình, phường Tân Lộc, Quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi làm nghề chài lưới trên sông Hậu từ nhỏ. Ngày xưa, tôm cá nhiều nên có xóm chuyên nghề câu, có xóm chuyên nghề chài hoặc nghề lưới. Bây giờ, chỉ có xóm lưới bủa vây bắt cá, không đợi chúng tìm mồi. Người khôn của khó mà! Ngồi chờ cá cắn câu thì mình đã chết đói rồi. Bà con chúng tôi phải tìm cá bủa lưới để bắt mà còn không đủ ăn”.
Đói no theo con nước
Mê Kông là một hệ sinh thái nhiệt đới có vùng ngập rộng lớn với chu kỳ con nước lên xuống theo mùa, hình thành nên nhịp lũ. Nhịp lũ là yếu tố quyết định tập tính di cư, sinh sản của cá và vì thế nhịp lũ cũng ảnh hưởng và đồng điệu với đời sống và sinh kế của những người ngư dân gắn bó với dòng sông này.
Ông Đặng Ngọc Khuyến, 62 tuổi, ở tổ 12, ấp Phước Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) nhớ lại: “Trước đây, mùa nước lũ lên cao, mang cá từ Biển Hồ (Campuchia) về nhiều vô kể. Cá đồng gặp nước lũ mau lớn, giăng câu, đánh lưới đều bắt được. Còn bây giờ, cá ít mà người nhiều nên lượng cá bắt được chẳng đủ để trang trải chi phí xăng dầu cho một đêm giăng lưới. Từ năm 2000 đến nay, nước lũ về ít dần. Cứ thấy dòng nước mà biết dân chúng tôi no hay đói. Nước lên cao, dân no. Nước kiệt, dân đói.”
Quanh xóm cù lao nơi gia đình ông Khuyến sinh sống có khoảng 40 hộ dân thì tới gần một nửa làm nghề chài lưới. Bãi lưới cá bông lau của xóm không rộng, khoảng vài km dọc theo sông Hậu, là nơi neo đậu hàng trăm xuồng lưới của ngư dân quanh vùng.
Ông Đặng Văn Liếp, ngư dân phường Tân Lộc tâm sự: “Đầu mùa nước nổi, chúng tôi đánh lưới cá linh, cá cơm mỗi ngày được vài chục ngàn đồng. Chúng tôi đánh lưới cá bông lau vào mùa gió chướng (khoảng tháng 11 âm lịch đến ra Giêng năm sau). Mùa rồi, cha con tôi đi có đêm được một hai con nhưng có lúc đi đánh lưới gần 10 đêm mà chẳng có con nào!”
Những ngư dân đánh lưới cá hạ nguồn sông Mê Kông rút ra quy luật: Đầu mùa lũ, cá theo nước từ thượng nguồn đổ về. Nước lên cao, cá tràn đồng ăn mồi rất mau lớn. Khi nước rút, cá bông lau, cá dứa, cá hô… dội nước từ biển Đông chạy về. “Ngộ thiệt, sau một mùa nước nổi, cá lớn dữ lắm. Mùa rồi, tôi đánh lưới cá bông lau bán được 50.000đ- 60.000đ/kg. Nhưng một mùa đánh lưới chỉ kiếm đủ tiền mua gạo ăn, rồi phải đi làm mướn kiếm thêm mới sống nổi”. – Ông Đặng Ngọc Tưng, 62 tuổi, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) tâm sự.
Ông Lê Văn Dánh (Út Dánh), 72 tuổi, người đã có gần 60 năm gắn bó với Vàm Nao (An Giang), con sông từng nổi tiếng với đặc sản cá hô và cá bông lau, trò chuyện với chúng tôi: “Năm rồi (2008), cá linh không có mấy, mỗi ngày bắt được vài kg. Cá hô có trọng lượng vài chục kg, thịt thơm ngon, bán giá 200.000đ/kg thì gần như không còn. Từ năm 2000 đến nay, cá tôm cứ ít dần. Trước đây, mỗi đêm bắt được 70-100 kg cá cơm thì nay cũng chỉ còn 20-30kg.”
Người dân khai thác cá tự nhiên hạ nguồn Mê Kông đang phải bươn chải đắp đổi qua ngày. Bởi “ngày làm tháng ăn” mà thời gian đánh bắt quá ngắn trong khi phải lo cái ăn, cái mặc cho cả năm dài. Trong khi đó, nguồn lợi cá tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt không thể mang lại cho dân cư ven sông Cửu Long vốn đang ngày một đông đúc hơn một cuộc sống ấm no. Không những thế, nuôi cá cũng chưa hẳn là một lựa chọn mang lại đời sống thịnh vượng cho ngư dân vùng này.
Lưa thưa lồng bè
Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của ĐBSCL. Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của ĐBSCL năm 2008 đạt gần 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Riêng mặt hàng cá tra, cá ba sa đóng góp 2% GDP của cả nước và khoảng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thuỷ sản.
Tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi có được, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL năm nay giảm khoảng 30% so với 2008. Nhiều người nuôi đã phải bỏ nghề hoặc đang gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn biến động, nguồn nước ô nhiễm gây dịch bệnh cho cá, cùng với đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định.
Bè cá trên sông Hậu trước đây san sát nay đã thưa dần |
Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Tấn Lộc (Sáu Hải), Hiệp hội thủy sản TP Cần Thơ, là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất Cửu Long này, cho biết: “Dòng sông đang bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp của các nhà máy bên bờ sông. Ô nhiễm ở mức độ giới hạn thì vẫn có thể nuôi trồng, song chất lượng không cao. Lũ từ thượng nguồn đổ về thất thường, xâm nhập mặn vào sâu cũng là những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước và do đó ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng cá nuôi. Cá tra đang thoái hóa vì phát triển nhanh nhưng quản lý lại không đáp ứng nhu cầu phát triển và biến đổi môi trường.”
Cùng chung bức xúc về tình trạng ô nhiễm dòng sông, anh Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc (Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Nước sông Hậu giờ không còn ai dám tắm. Nhiều lồng bè cá chim trắng, cá điêu hồng, cá tra, cá ba sa… chết trắng vì ô nhiễm khiến nhiều tỷ phú nuôi cá bị trắng tay chỉ trong vòng một đêm!”
Những năm trước đây, các bè nuôi cá hạ lưu Mê Kông như An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Sóc Trăng… quây kín ven sông, vây san sát các cù lao, nhưng nay đã thưa thớt hơn. Ông Nguyễn Hoàng Dư, một chủ nuôi cá bè ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa (Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Trước đây, nuôi 1.000 con chết 1 con thì nay cá chết bình quân lên đến 50/1000 con. Đáng lo ngại là tần suất cá chết đang tăng cao. Mấy năm trước, bè cá ở Cồn Sơn này kín hết, nay còn vài chục bè thôi, người nuôi cá chuyển sang nghề khác kiếm sống gần hết rồi”.
Nghề nuôi cá bè gắn liền với chất lượng nước trên sông Mê Kông cùng nhiều yếu tố rủi ro bên cạnh như chất lượng con giống, dịch bệnh… Trong khi đó các khoản đầu tư ban đầu cho một bè cá là không hề nhỏ. Riêng chi phí đóng bè, mỗi bè cá rộng chừng 25m vuông phải đầu tư 50 triệu đồng, chưa kể tới chi phí cho con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh…
Anh Lý Văn Bon, chủ một cụm bè cá ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa (Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), nơi mà theo anh, trước đây có 200 bè cá nay chỉ còn khoảng 50 bè bám trụ, tâm sự: “Tôi nuôi 26 bè cá, mỗi năm thu hoạch 100 tấn, mỗi ký lô lời 1.000đ thì kiếm được trăm triệu đồng. Sợ nhất là cá chết do ô nhiễm nguồn nước, không tài nào ngăn được, thua lỗ phải chịu thôi. Chuyển nghề khác không dễ.”
Cồn Sơn thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa (Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có khoảng 80 hộ dân thì chỉ có vài chục người nuôi cá tra, diện tích khoảng 80 ha. Ông Mai Chí Công, Bí thư Chi bộ Khu vực 1- Cồn Sơn cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ năm 1957, những biến đổi đời sống người dân tôi thuộc lòng hết. Gần đây những biến môi trường nước khiến nghề nuôi cá tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc bởi nguồn nước lấy lên từ sông, nếu chất lượng nước không đảm bảo, nhiễm độc là không thể phát hiện. Cá sống trong nước mà nguồn nước không sạch thì sẽ rất khó khăn, tốn kém hoặc phủi tay như chơi!”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, một “đại gia” nuôi cá ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), dẫn chúng tôi thăm ao cá tra hơn 3 tháng tuổi ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa (Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cũng bộc bạch: “Nguồn nước sông Hậu đục ngầu, phải lắng lọc nhiều, tốn kém hơn. Nuôi cá phụ thuộc “nhất giống, nhì nước, ba thức ăn” thì nước lại tăng chi phí cao nhất hiện nay. Trung bình, mỗi kg cá thành phẩm phải tốn 300đ-500đ chi phí xử lý nước. Bởi vì chúng tôi phải bơm nước lên, lắng lọc, xử lý mới đưa vào ao nuôi. Nước trong ao bao giờ cũng phải đầy và vài ngày phải thay nước đáy để tránh ô nhiễm. Cồn Sơn này có khoảng 80 ha diện tích thì có đến 40% diện tích nuôi cá. Nhưng người nuôi cá ngại đầu tư lớn vì sợ ô nhiễm nguồn nước, cá chết, phá sản!”
Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Huy, phó chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản An Giang, nghề nuôi cá bè, cá hầm đất, cá ruộng lúa… phát triển rất mạnh vào những năm 2005- 2006 song những năm gần đây có dấu hiệu suy giảm vì nguồn nước biến đổi theo hướng bất lợi.
Vì đâu nên nỗi
Đi tìm lời giải cho chất lượng nước dòng Cửu Long ngoài nguyên nhân ô nhiễm cục bộ, chúng tôi được ông Phạm Đình Đôn, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Nam bộ cho biết: “Các công trình thủy điện của các nước đầu nguồn sông Mê Kông đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông đổ về ĐBSCL. Đồng thời, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ven sông, tính đa dạng sinh học và môi trường trong khu vực, làm cạn kiệt nguồn phù sa màu mỡ đổ về hạ lưu…”
Tiếp xúc với chúng tôi, GS.TS. Võ Tòng Xuân cũng cho rằng chu kỳ lũ hiện đang bị thay đổi bởi thực trạng xây đập chắn dòng ở thượng nguồn sông Mê Kông, khiến các tỉnh ĐBSCL sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Giáo sư cũng khuyến cáo ngay từ bây giờ các tỉnh ĐBSCL cần liên kết với nhau trong việc khai thác và chia sẻ nước sông Mê Kông một cách hợp lý và chủ động xây dựng những mô hình kinh tế chuyển đổi để giúp các địa phương ven sông giảm thiểu tối đa thiệt hại từ những biến động môi trường nước.