ThienNhien.Net – Lần đầu tiên, một cuộc hội thảo quốc tế về xây dựng Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã được tổ chức vào ngày 11/09 tại thị trấn Đồng Văn.
Hội thảo do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao tổ chức. Tham dự hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu về địa chất, văn hóa, lịch sử, du lịch trong nước và quốc tế, cùng nhiều vị Đại sứ, Tham tán văn hóa của một số nước.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cùng thảo luận về một khía cạnh còn tương đối mới ở Việt Nam hiện nay. Đó là việc thành lập và xây dựng các công viên địa chất nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, hướng tới hình thành mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam.
Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá, rừng đá tai mèo sừng sững nằm ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang bao gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những cao nguyên đá hùng vĩ nhất Việt Nam, có độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển.
Cao nguyên đá Đồng Văn có tổng diện tích hơn 574 km2, là một trong những vùng đá vôi đặc biệt trong cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ khách du lịch đến thăm quan và các nhà khoa học đến nghiên cứu khoa học, bởi chúng chứa đựng những dấu hiệu tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và những truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân bản địa.
Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, với 11 hệ tầng, trong đó có loại trầm tích cổ nhất có niên đại từ 600 đến 400 triệu năm. Cao nguyên đá còn rất đa dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học, với hàng nghìn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật.
Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã phát hiện trên cao nguyên Đồng Văn khoảng 40 điểm di sản hoặc điểm có giá trị di sản mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Ông Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học-Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Dự án này manh nha từ những năm 2001 và cho đến nay thì chúng tôi có thể đánh giá xác lập được 115 địa điểm có giá trị di sản, trên cơ sở đó chúng tôi thấy rằng đã đến lúc hình thành công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn để sớm triển khai các hạng mục tiếp theo, sao cho sắp tới công viên này sẽ được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế.
Khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước về những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Lô-lô, Tày, Nùng, Giáy, Cờ lao, Pu Péo, Bố Y, Hoa…. Sự quần cư của nhiều tộc người trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo nên bộ phận văn hóa độc đáo nhất trong cộng đồng 22 dân tộc sinh sống ở Hà Giang. Những phương thức canh tác độc đáo, các giá trị văn hóa được truyền lai từ nhiều đời của nhiều thế hệ những con người ‘”sống trên đá”, những lễ hội văn hóa giàu tính nhân văn đã làm tăng sức hấp dẫn của vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc này.
Dự án Công viên Việt-Bỉ và các dự án nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, làm rõ những giá trị nổi bật của Cao nguyên đá Đồng Văn về giá trị địa chất, địa mạo, tự nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, qua đó đề xuất các biện pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của nó phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của địa phương.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định việc xây dựng Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm góp phần nâng cao “thương hiệu” của tỉnh Hà Giang, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây.
Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn trình UNESCO xem xét công nhận vào tháng 04/2010; về quy hoạch hướng phát triển và quản lý công viên đá ở Hà Giang.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam cho rằng, cần hoàn thiện hồ sơ của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện rõ 3 tiêu chí: có kế hoạch phát triển bền vững công viên này; các giải pháp bảo vệ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn và đặc biệt là nêu bật ý thức bảo vệ môi trường cũng như việc tham gia vào duy trì, bảo vệ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
Tiến sĩ Michiel Dusar, Giám đốc Sở Địa chất Bỉ rất vui khi trong quá trình khảo sát ông thấy các dòng sông ở cao nguyên đá Đồng Văn vẫn trong xanh, cho thấy môi trường ở đây vẫn chưa bị ô nhiễm. GS Danny Widermersch ở Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ thì cho rằng phải làm thế nào để tất cả mọi người dân sống trên cao nguyên đá đều sống thân thiện, hài hòa và trân trọng những di sản mà họ đang có, để gìn giữ cho muôn đời con cháu mai sau.
Hiện nay, trên thế giới có 53 công viên địa chất được UNESCO công nhận là công viên địa chất quốc tế. Trung Quốc là nước có số công viên địa chất tương đối phong phú, trong đó có 20 công viên địa chất được công nhận là công viên quốc tế. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có một công viên địa chất mang tầm quốc tế là Công viên địa chất Langkawi của Malaysia. Việt Nam hiện chưa có công viên địa chất nào được công nhận, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ đầy đủ các yếu tố có thể được UNESCO công nhận là công viên địa chất quốc tế. |