Ai đang bảo vệ động vật hoang dã?

ThienNhien.Net – Được bảo vệ bởi một rừng quy định pháp luật và một lực lượng hùng hậu, nhưng muông thú vẫn “không cánh mà bay" khỏi những cánh rừng già cũng đang bị tỉa thưa, cạo trọc. Cảnh đầu rơi, máu chảy, lột da, cầm hãm đối với những sinh vật xấu số bị sa bẫy, săn bắn kia đau xót, tang thương ra sao thì đã rõ. Nhưng không ai biết rằng số phận những “kẻ” may mắn còn sót lại ngoài tự nhiên sẽ tù mù đến cỡ nào, liệu chúng sẽ may mắn được bao lâu nữa?


Đây là anh chàng người Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Anh hí hửng khoe với chúng tôi với chiến lợi phẩm của mình.

Xin được cắt ngang câu chuyện bằng một tình tiết to tát hơn. Đó là vào giữa năm nay, tại một hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã, người ta đã chính thức công bố Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về mua bán động thực vật hoang dã. Có lẽ đối với những người hàng xóm bé nhỏ của Trung Quốc là Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thì đây là tin… buồn vô hạn.


Khu vực Đông Dương vốn nổi tiếng về độ đa dạng sinh học cao. Trong suốt những thập niên qua, tính đa dạng sinh học ấy đã suy giảm rất nhiều do hậu quả của chiến tranh, áp lực của đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, cái đeo đẳng kỳ cựu của đói nghèo và gia tăng dân số ở chính các quốc gia này.

 

Song, có lẽ những điều ấy chưa đáng sợ bằng việc nằm sát vách một thỏi nam châm khổng lồ về tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã. Sức hút mạnh mẽ của thỏi nam châm ấy càng được củng cố bởi mức độ siêu lợi nhuận của hoạt động phi pháp này. Vì vậy, các loài động vật quý hiếm dù có chui lủi ở tít rừng sâu cũng bị moi ra bằng được, theo những đường dây ma mãnh mà “bắc tiến”, đổ về nơi những kẻ có tiền đang chờ chực.


Nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đã cảnh báo rằng Việt Nam đang bị lợi dụng biến thành một điểm nóng để những kẻ phạm pháp trung chuyển động vật hoang dã sang Trung Quốc. Điều tra của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Cục Kiểm lâm cũng cho biết trong vài năm trở lại đây, nạn buôn bán động vật hoang dã trong nước không ngừng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.


Nhiều trai tráng địa phương, cũng như anh chàng người Mông đề cập trên kia, vốn thật thà, chất phác vô tình bị biến thành kẻ đầu sai, tiếp tay cho những đường dây phi pháp bằng cách chuyên săn lùng các loài động vật quý hiếm. Họ không biết rằng mình đang hủy hoại nguồn di sản tự nhiên của chính cộng đồng mình. Di sản tự nhiên, dù sao cũng là di sản của cha ông, vì nó đã được gìn giữ, tồn tại suốt bao đời nay.

Vậy pháp luật ở đâu, nhà chức trách ở đâu?


Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam có một hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ động thực vật hoang dã không thua kém so với nhiều nước trên thế giới. Quả thực, từ việc ký kết Công ước cấp quốc tế như CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp) cho đến những quyết định, thông tư hướng dẫn, có lẽ liệt kê tới cả trang giấy không hết tên. Và mới đây nhất, Luật Đa dạng sinh học đã chính thức có hiệu lực, hứa hẹn sẽ bổ sung vào rừng luật sẵn có ấy ít nhất hàng chục văn bản luật nữa. Song, nhiều không có nghĩa là đủ. Đơn cử như cái việc săn bắn, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, theo luật, hiển nhiên là vi phạm. Song, hình như các nhà làm luật “quên” mất rằng sở hữu chúng cũng là trái pháp luật. Không tin, bạn cứ tra cái công văn số 970/BNN-CKL của Cục kiểm lâm và điều 190 Bộ luật hình sự sửa đổi mà xem.


Có thể tự hào mà nói rằng chúng ta có một hệ thống ban, ngành chức trách đầy đủ để thực thi pháp luật bảo vệ các loài quý hiếm bị cấm hoặc hạn chế buôn bán, trong đó phải kể đến bộ ba kiểm lâm – hải quan – cảnh sát môi trường, là những lực lượng chủ chốt. Nhưng, điều được các chuyên gia nhắc đến nhiều hơn, đáng buồn thay không phải là khe hở luật pháp, mà là việc thực thi pháp luật Việt Nam còn yếu kém, cách xa so với quyền hạn pháp lý mà những nhà chức trách nắm trong tay.



Chúng tôi không dám đo hiệu quả làm việc của “ba nhà” ấy đến đâu, nhưng xin cam đoan rằng chừng nào, bộ ba ấy còn chưa gắn kết chặt chẽ để tạo nên thế chân kiềng, chứ không phải là ba cái chân đứng lẻ loi, độc lập, thì e rằng việc thực thi pháp luật về ĐHVD còn khó đạt hiệu quả.


Trong cuộc họp do một tổ chức bảo tồn thực hiện mới đây, bàn về bảo tồn hổ và các loài thú mồi của hổ, với sự góp mặt của cả “ba nhà”, một vị đại diện của Cục CSMT đã thẳng thắn phê bình đơn vị tổ chức chưa “gắn kết được ba lực lượng” với nhau. Mong rằng ý kiến của vị đại diện ấy cũng là nguyện vọng chung của cả ba ngành.


Không nên quá trông chờ vào luật pháp và các nhà chức trách, cần bắt đầu từ ý thức của mỗi người, mỗi địa phương

Chúng tôi nói vậy, vì biết rằng, với sức hút siêu lợi nhuận của hoạt động phi pháp về buôn bán động vật hoang dã, sức ép lên các cơ quan thực thi là cực kỳ lớn. Họ sẽ không thể ngăn chặn thành công, nếu cộng đồng và địa phương còn làm ngơ, không coi việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm và động vật hoang dã nói chung là việc nên làm. Dưới đây là một vài hình ảnh mà chúng tôi đã gặp, có đau xót, có tức cười.

vườn cò Ngọc Nhị

Cò bị sát hại, rồi chính
ông chủ vườn cò Đào Mỹ phải quẫn bách đòi bán cả vườn cò, khiến lãnh đạo tỉnh
Bắc Giang lao đao lên xin chủ vườn đừng bán kẻo… mang tiếng quá.

Đau lòng hơn, hàng nghìn con cò bị giết mỗi ngày bán cho thực khách, mà kẻ ‘sát sinh” không ai khác, chính là chủ vườn cò Ngọc Nhị, gã nông dân Phùng
Đoài Học. Người ăn chủ yếu là du khách Thủ đô Hà Nội!


 


Chú khỉ tội nghiệp này được chính giáo viên cắm bản ở xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) nuôi nhốt. Nó bị trói ở cái chạn úp bát của cô giáo H. Giáo viên mà nhận thức còn thế, trách gì…!

thịt ĐVHD

Một hũ rượu bào thai gấu và một gian bếp tuyền thịt thú rừng – dành cho những kẻ ham của lạ, của độc. Số lượng những kẻ này hình như ngày càng nhiều, do tâm lý chơi trội, sĩ diện mà ra.


Con chim quý này bị đánh bẫy, trói chân bằng xích sắt trưng bày mua vui cho thực khách ở quán Thiên Thanh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

cá tiến vua

Cá anh vũ, một loài cá tiến vua nổi tiếng đang bị săn lùng ráo riết, trong tự nhiên có lẽ chỉ còn với con số đếm đầu ngón tay (cá anh vũ còn gọi là Cá mõm lợn, vì mõm của nó
trù ra do bám vào vách đá ở vùng nước xiết, cái “mõm lợn” này chính là báu vật
tiến vua). Ảnh chụp tại Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

 



Bạn với nó, là con cá chiên khổng lồ – được mệnh danh là báu vật sông ngòi miền Bắc Việt Nam,
được bảo vệ bằng nhiều văn bản pháp quy của nhà nước – đã bị giết vô tư. Bộ lòng
của nó được bán với giá đắt đỏ, là “thứ thời trân” mà thực khách ham
mê truy lùng để thưởng thức!

  

bẫy thú 2


Còn đây là bức ảnh chụp tại xã Tú Lệ (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) bẫy thú được bày bán cả… núi ven đường mà không vấp phải sự khuyến cáo, bắt giữ của bất kỳ ai!

bẫy thú 3

bẫy thú1


Và một điều rất đáng tiếc rằng, ở nhiều miền tôi qua, những bé thơ vô tư như thế này đã sớm quen với hình ảnh chiếc bẫy khát máu. Liệu những hình ảnh và ấn tượng này sẽ đeo đuổi các em đến khi nào? Liệu nó có làm ảnh hưởng đến tính cách và lòng nhân ái của các em mai này hay không?

Những hình ảnh trên đây không khó bắt gặp ở khắp các nẻo đường đất nước khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: Ai đang bảo vệ những loài muông thú quý hiếm của Việt Nam? Hay chỉ có những văn bản in ấn đẹp đẽ trên giấy tờ?