ThienNhien.Net – Với diện tích rừng gần 810 ngàn hécta và gần ½ dân số cư trú, hoạt động trong rừng, gần rừng và liên quan đến rừng, Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thêm vào đó, sự hiểu biết, nhận thức về giá trị của rừng còn yếu, ý thức bảo vệ rừng và tuân thủ pháp luật về rừng chưa cao. Đặc biệt là hơn 44 vạn đồng bào dân tộc ít người (Thái, Khơ Mú, H’Mông…) của 10 huyện miền núi, kinh tế còn nghèo, dân trí thấp, cuộc sống luôn gắn liền với việc đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép, nguyên nhân của các vi phạm về quản lý bảo vệ rừng. Do đó, thực hiện Chỉ thị số 02/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1082 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiểm lâm Nghệ An đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-KL thành lập ban tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quy chế hoạt động.
Ban Tuyên truyền gồm 5 thành viên, lãnh đạo chi cục làm trưởng ban. Các thành viên khác là những người có trình độ chuyên môn về quản lý bảo vệ rừng và kiến thức pháp luật, là trưởng hoặc phó các phòng chức năng. Trên cơ sở quyết định và quy chế hoạt động, Ban tuyên truyền đã phân công trách nhiệm cho các thành viên đảm nhận từng mũi, tuyến trọng điểm; xây dựng chương trình kế hoạch công tác cụ thể cho từng thời kỳ, những nội dung cần tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, địa bàn ưu tiên và sự phối hợp với các cơ quan đơn vị. Mở rộng và tăng cường đội ngũ tuyên truyền, mỗi cơ sở chọn khoảng 3 người có trình độ hiểu biết về pháp luật và năng khiếu truyền đạt. Bên cạnh đó, Ban tuyên truyền đã mời các chuyên viên Sở Tư pháp, Ban dân vận Tỉnh ủy… tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này về công tác dân vận, phương pháp truyền đạt văn bản luật, những nội dung cần tuyên truyền của Luật bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Thực hiện đề án đưa kiểm lâm viên về địa bàn xã, Chi cục đã tuyển chọn, đào tạo được 297 kiểm lâm viên và 336 cán bộ bảo vệ rừng cấp xã bố trí tại 333 xã có từ 200ha rừng trở lên. Những Kiểm lâm viên địa bàn, bảo vệ rừng cấp xã này được tập huấn đào tạo về công tác dân vận và tuyên truyền Luật bảo vệ phát triển rừng, đã tạo ra một đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở khá đông đảo.
Từ việc tổ chức như trên, nhìn chung, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở Kiểm lâm Nghệ An đã từng bước đi vào nền nếp, có kế hoạch và chương trình cụ thể, có trọng tâm và trọng điểm của từng thời kỳ. Nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ rừng đã chú trọng gắn với từng nhóm đối tượng và phù hợp với nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của địa phương cũng như yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp giữa phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ rừng với giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động tuyên truyền vận động khác. Bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nắm chắc nội dung các văn bản liên quan đến quản lý bảo vệ và phát triển rừng ban hành trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để xây dựng chương trình công tác, chọn hình thức và biện pháp tuyên truyền thích hợp và có hiệu quả.
Qua 8 năm triển khai, trung bình mỗi năm, Kiểm lâm Nghệ An đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền tại cộng đồng, phối hợp với Đài Phát thanh – truyền hình Nghệ An và các huyện phát sóng 150 – 170 tin, bài, chuyên mục, hàng chục đợt tuyên truyền lưu động bằng xe, thuyền trên các tuyến giao thông và tụ điểm tập trung đông người. Xây dựng gần 400 biển tường và hàng nghìn biển báo ghi nội dung bảo vệ rừng.
Đặc biệt, Kiểm lâm Nghệ An đã phát động cuộc thi tìm hiểu Luật bảo vệ và phát triển rừng bằng hình thức viết và sân khấu hóa. Cuộc thi đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương nhiệt liệt tham gia. Hoạt động tích cực của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua đã có tác dụng to lớn đóng góp vào việc giữ vững và phát triển tài nguyên rừng. Điều thể hiện rõ nhất là các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng giảm rõ rệt, bình quân mỗi năm giảm 15 -18%. So với năm 2004 đến năm 2008 số vụ vi phạm chỉ bằng 40%. Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được nhân dân phát hiện, chính quyền địa phương xử lý tại địa bàn tăng mạnh. Số vụ khởi tố hình sự, xét xử công khai, kịp thời đưa tin lên báo, truyền hình trực tiếp đã có tác dụng giáo dục, răn đe ngăn ngừa các tội phạm về rừng.
Tình hình gây cháy rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép cũng giảm mạnh, các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… diện tích rẫy hàng năm chỉ bằng 40-50% trước đây. Các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ tình trạng phát rừng làm rẫy hầu như không còn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, trong các đợt tấn công truy quét lâm tặc, giải tỏa các tụ điểm, điểm nóng về vi phạm, lực lượng kiểm lâm luôn nhận được sự phối hợp kịp thời của Bộ đội biên phòng, Quân đội, Công an, các cơ quan thông tấn báo chí. Các vụ khởi tố hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, chống lại lực lượng kiểm lâm trong khi thi hành công vụ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án nên việc xử lý rất nhanh chóng và nghiêm minh.
Công tác tuyên truyền đã làm cho đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương (nhất là cán bộ xã, thôn bản ở miền núi) thấy được vai trò trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp cùng với kiểm lâm địa bàn, giúp các chủ rừng giải quyết tồn tại, từng bước lập lại trật tự trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tại gốc.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về rừng đã thực sự đóng góp to lớn trong quản lý bảo vệ, tạo điều kiện cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp thành công đạt hiệu quả cao. Góp phần ổn định và phát triển tài nguyên rừng, nâng độ che phủ rừng Nghệ An lên hơn 49%.