ThienNhien. Net – Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo của Hà Tĩnh – làng Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Thạch Hà, nay là huyện Lộc Hà, anh Nguyễn Văn Việt luôn trăn trở suy nghĩ để làm giàu trên chính mảnh đất nơi cửa biển này. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ, anh bị thương và được chuyển ra Hà Nội điều trị rồi xuất ngũ. Nhưng với nghị lực và ý chí sẵn có, anh đã đến Viện nghiên cứu Thuỷ Sản II ở Hải Phòng học tập cách nuôi các loại thuỷ hải sản và làm thuê ở Ninh Bình. Từ đó, năm 2002, anh đã bắt đầu dựng nghiệp và chọn nuôi giống ngao của địa phương.
Khởi đầu, do chưa nắm rõ về kỹ thuật, nên anh Việt đã thất bại. Anh lại tiếp tục “tầm sư học đạo”, đi làm thuê ở Nam Định, Thái Bình rồi vào Tiền Giang, Bến Tre. Thấy người dân nơi đây nuôi giống ngao mới dễ nuôi, đẻ nhanh nên anh mua 1 kg giống về nuôi thử. Cũng vì chưa có kinh nghiệm về mật độ, xử lý môi trường nên ngao của anh chết gần hết.
Không nản chí, sau khi giành dụm được ít vốn, năm 2005, anh đến Viện Nghiên cúu thủy sản II mua 3000 con giống gồm ngêu Bến Tre, ngao nhớt, sò huyết Tiền Giang, vẹm xanh về nuôi. Nhờ chịu khó tìm tòi phương pháp nuôi và phòng chống dịch bệnh nên diện tích nuôi thủy sản của anh ngày càng tăng. Đến nay, ngoài diện tích 15 ha đấu thầu của xã, anh còn thuê hơn 7 ha của xã Thạch Bàn, và đầu tư trên 1 tỷ đồng làm cọc, đăng, lưới, mua con giống, phòng trừ dịch bệnh.
Mỗi năm, gia đình anh cũng thu về từ nuôi nhuyễn thể trên 500 triệu đồng. Mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 2,5-3 tấn sản phẩm. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mỗi tháng từ 1,5-2,5 triệu đồng, và thuê lao động thời vụ 5-7 người với mức lương từ 800.000 -1 triệu đồng/người.
Trao đổi với chúng tôi, anh Việt cho biết: “Làm nghề nuôi ngao, sò rất vất vả, hàng ngày cần theo dõi con nước (thuỷ triều), xem tình hình dịch bệnh của từng ô, thường xuyên kiểm tra đăng lưới. Vào tháng 8 đến tháng 12 trời mưa lũ lớn, nước ở thượng nguồn đổ về nhiều, nếu đăng lưới kém toàn bộ vốn liếng sẽ bị cuốn trôi theo con nước”. Anh Việt còn cho biết thêm muốn làm giàu từ nghề nuôi nhuyễn thể này ngoài việc chịu khó tìm tòi, học hỏi cần phải đa dạng hoá các loài nuôi, thường xuyên tham khảo thị trường để cung cấp, đặc biệt cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật thì mới có hiệu quả cao.
Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh còn cho vay tiền (không tính lãi), hỗ trợ giống và hướng dẫn bí quyết nuôi ngao, sò, hến cho những người dân nghèo trong vùng, do đó anh được người dân trong vùng mệnh danh là “Vua ngao”. Không chỉ dừng ở đó anh Việt còn ủng hộ địa phương trên 60 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, quỹ khuyến học… Nhiều năm liền anh được bình chọn là nông dân sản xuất tiêu biểu của huyện và được báo cáo thành tích ở huyện, tỉnh.