ThienNhien.Net – Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái, có nghĩa là đỉnh núi cao nhất. Nằm cách thành phố Thanh Hóa 130km về phía Tây Bắc, dãy núi Pù Luông hùng vĩ bên dòng sông Mã thơ mộng để lại bao dấu tích hào hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ oanh liệt. Vẫn còn đó con đường 15C huyết mạch nối liền hậu phương và tiền tuyến; Đồn Cổ Lũng ghi lại ý chí quật cường của đồng bào các dân tộc ta, thất bại ê chề của đế quốc xâm lược; Hang Phú Lệ nơi khắc ghi tội ác dã man đế quốc Pháp, bất khuất anh hùng quân dân Phú Lệ; và còn đó bao dấu tích khác, để Pù Luông dải đất anh hùng cùng đi vào lịch sử chói ngời của dân tộc Việt Nam.
Pù Luông xưa khắc ghi anh hùng, ngày nay Pù Luông được biết đến như là một điểm đến thú vị với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đó là những khu rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên động thực vật rừng, những thửa ruộng bậc thang trải dài xanh tươi, những thác nước uốn mình trên các triền đá, những ngôi nhà sàn cổ, những khu làng ven rừng và trên đỉnh núi mang dáng vẻ nguyên sơ, nhiều hang động kỳ bí, hấp dẫn và những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, Mường… tất cả đã tạo nên giá trị đích thực cho Pù Luông.
Năm 1999, ghi lại một dấu mốc quan trọng, với sự ra đời của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng với Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn của tỉnh Hòa Bình tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông – Cúc Phương là một khu vực đại diện điển hình quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có diện tích rộng lớn và có giá trị đa dạng sinh học cao còn lại duy nhất trên vùng đất thấp miền Bắc Việt Nam, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế xác định là khu vực ưu tiên cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng cộng đồng địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Thông qua các chương trình, hoạt động bảo tồn, nhiều mô hình phát triển kinh tế tạo thu nhập đã được thực hiện thành công như mô hình trồng cây lâm nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng cây mây nếp dưới tán rừng, trồng cây làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm; mô hình nuôi lợn thịt, nuôi ong mật, nuôi cá lồng trên sông Mã; mô hình làm vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp; xây dựng kênh mương, hệ thống cung cấp nước sạch trong sinh hoạt cho cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình quản lý bền vững tài nguyên rừng cấp thôn bản nhằm đáp ứng nhu cầu về gỗ và lâm sản cho người dân; mô hình nông lâm kết hợp và du lịch sinh thái.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển, xây dựng mô hình đời sống cộng đồng trong khu vực được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc; người dân Pù Luông từ chỗ chỉ biết phát nương làm rẫy, nay đã biết trồng trọt, chăn nuôi ổn định trên diện tích đất được giao với các loài cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; từ chỗ không biết “du lịch” là gì, thì nay đã có thể tham gia các hoạt động du lịch, cải tạo nhà ở làm nhà nghỉ đón tiếp khách, nấu các món ăn phục vụ khách du lịch, kỹ năng đón tiếp khách du lịch và đặc biệt là đã có thu nhập đáng kể từ các hoạt động du lịch mang lại.
Vị thế Pù Luông được nâng cao và được đề cập ngày một nhiều hơn như là một điểm đến điển hình trong công tác bảo tồn thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng; điểm đến lý tưởng cho du khách về du lịch sinh thái.
Và hôm nay, Pù Luông vẫn đang chuyển mình, mang lại một sức sống mới mãnh liệt trên vùng đất xứ Thanh này.