ThienNhien.Net – Vụ hè thu năm 2009, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hà Tĩnh đã triển khai mô hình công cụ sạ hàng cho các hộ nông dân tại 3 xã: Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), Tượng Sơn (Thạch Hà) và Khánh Lộc (Can Lộc). Để triển khai mô hình đúng tiến độ và chuyển giao công cụ cho bà con nông dân, trước đó, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho hơn 200 lượt hộ nông dân về kỹ thuật làm đất, ngâm ủ hạt giống đảm bảo tiêu chuẩn gieo sạ, trực tiếp hướng dẫn nông dân sạ lúa trên đồng ruộng.
Nhờ nắm được kỹ thuật và quy trình gieo sạ, nên diện tích lúa gieo sạ cả các hộ đã đảm bảo mật độ, đồng đều, sinh trưởng phát triển tốt. Tổng diện tích lúa gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay trên địa bàn tỉnh trong vụ xuân 2009 là 200 ha. Một số nơi áp dụng biện pháp gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay nhiều như: Can Lộc, Cẩm Xuyên… Qua thực tế sản xuất thấy được hiệu quả mô hình giàn sạ kéo tay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua giàn sạ để phục vụ sạ lúa cho gia đình và làm dịch vụ cho bà con quanh vùng.
Từ nhiều năm nay, nông dân thôn Chu Trinh xã cẩm Duệ đã thực hiện việc gieo lúa bằng tay, khi được tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới gieo thẳng lúa bằng giàn sạ kéo tay, các hộ đánh giá lúa gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay có nhiều ưu điểm hơn so với gieo bằng tay như: Tiết kiệm được giống gieo, giảm 40% lượng giống so với gieo tay, đỡ tốn công tỉa giặm, thuận tiện cho việc chăm sóc, ruộng lúa thông thoáng, ít nhiễm bệnh, tranh thủ được thời vụ, thuận tiện cho khâu cơ giới hoá sau thu hoạch như sử dụng máy gặt đập liên hợp, tăng năng suất lúa.
Ông Đoàn Xuân Dần – trưởng thôn Chu Trinh khẳng định: “Gieo thẳng lúa bằng công cụ kéo tay là giải pháp hữu hiệu và cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm chi phí đầu tư về giống và nhân công, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, giảm sức ép thời vụ, tạo điều kiện trong chăm sóc thâm canh lúa. Những năm trước nếu gieo thẳng lúa bằng tay năng suất lúa ở đây chỉ đạt trung bình 38 – 40 tạ/ha, vụ hè thu này nhờ áp dụng công cụ sạ hàng và chương trình “3 giảm 3 tăng” vào sản xuất lúa nên năng suất đã tăng lên 44 tạ – 48tạ/ha”.
Không những ở Cẩm Duệ ( Cẩm Xuyên ) mà ở các xã Tượng Sơn (Thạch Hà); Khánh Lộc (Can Lộc) nhờ áp dụng công cụ sạ hàng năng suất lúa cũng tăng 15 – 20% so với năng suất những năm trước.
Để nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo, vừa qua Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã phối hợp UBND huyện Cẩm xuyên, Thạch Hà, Can Lộc tổ chức hội thảo và tham quan đầu bờ tại các xã triển khai mô hình. Qua hội thảo các hộ nông dân và các đại biểu đã được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn phương pháp gieo sạ bằng công cụ sạ hàng. Đặc biệt, được nghe chính những nông dân tham gia mô hình đánh giá cao lợi ích của công cụ sạ hàng. Tuy nhiên, để đưa công cụ sạ hàng áp dụng vào việc gieo cấy lúa thì cần phải thực hiện tốt việc chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn để thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật này. Thông qua kết quả của mô hình, nhiều địa phương và bà con nông dân tham gia hội thảo đã đăng ký với nhà sản xuất để đưa công cụ sạ hàng vào sản xuất trong những vụ tiếp theo.
Kết quả triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng giàn sạ kéo tay tại các huyện trong vụ hè thu năm 2009 thành công đã làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác gieo thẳng lúa bằng tay của nông dân. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đề nghị Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia và tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.