ThienNhien.Net – Hoa lan là một trong những cây trồng cho thu nhập và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị, đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu phát triển nghề trồng lan và mở rộng thị trường tiêu thụ.., mô hình “Cơ giới hóa phục vụ trồng lan” đã được triển khai tại Nhà Bè (TP.HCM) và mang lại hiệu quả đáng kể.
So với cây cỏ thông thường, lan là loài cây rất thích ứng với môi trường sống, khí hậu vào mùa nắng ít hoặc không mưa, lan không bị nguy hiểm trước sự thiếu nước nhờ có những đặc tính giống như các cây ở vùng sa mạc.
Thành phố Hồ Chí Minh có khí hậu thuận lợi cho hầu hết các loài hoa lan phát triển, nơi đây cũng tập trung nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm tay nghề cao, các nhà khoa học và hơn hết là có một thị trường rộng lớn cho việc tiêu thụ lan trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản xuất hoa lan của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế: đa số các giống lan đều không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các cơ sở cấy mô chưa đáp ứng đủ giống cây cả về số lượng, chất lượng, dẫn đến tình trạng phải nhập khẩu với giá thành cao, công nghệ trồng lan còn lạc hậu, chủ yếu trồng và chăm sóc thủ công.
Chính vì vậy, chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh của thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2004 – 2010), phấn đấu nâng diện tích trồng hoa lan năm 2010 sẽ lên 200 – 400 ha. Để đạt được mục tiêu như vậy, cần phải có kế hoạch lâu dài trong chuyển giao công nghệ canh tác, tạo giống tốt, hướng đến thị trường tiêu thụ….và một ứng dụng không thể thiếu, đó là áp dụng cơ giới hóa trong ngành trồng lan – Mô hình “Cơ giới hóa phục vụ trồng lan” được thực hiện (với diện tích 1.500m2) tại 2 hộ: Phạm Văn Đứng và Nguyễn Văn Lạc – xã Phú Xuân và Long Thới – Nhà Bè.
Qua 6 tháng theo dõi cho thấy việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động đã tiết kiệm được chi phí sản xuất:
– Khối lượng nước tưới: giảm 60%.
– Lượng điện tiêu thụ: giảm 70%
– Công lao động: giảm 70%.
Hiệu quả của mô hình có tính thuyết phục cao, mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, vì không những khai thác tối đa năng suất lao động, mà còn giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiến trình quản lý sản xuất hàng hóa hiện nay, đáp ứng tốt cho nghề trồng lan hiện nay trên địa bàn.
Mô hình trên cần được nhân rộng, phổ biến cho bà con nông dân nhằm mục đích phát triển nghề trồng lan ngày càng hiệu quả hơn và phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.