Giúp sinh vật tìm "nhà mới" tránh BĐKH

ThienNhien.Net – Lần đầu tiên các nhà khoa học đang phải đánh giá lại cách thức giúp các sinh vật thích nghi với biến đổi nhanh chóng của khí hậu và những hiếm họa môi trường khác thông qua các kế hoạch mà 5-10 năm trước và thậm chí chỉ mới đây thôi từng bị coi là quá cực đoan. Kế hoạch này được gọi là sự “phân bố lại có chi phối” hay còn gọi là sự “di cư có trợ giúp” vì đó là quá trình tác động của con người để đưa các sinh vật tới những môi trường sống thích hợp hơn, nơi mà chúng chưa từng hiện diện.


Hành động hay không hành động?

Một câu hỏi đặt ra: “Tại sao kế hoạch “phân bố lại có chi phối” vốn bị coi là cấm kị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ này nay lại được đưa ra xem xét một cách nghiêm túc?” Hellmann, một thành viên của nhóm nghiên cứu, lý giải: “Bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu rõ ràng đang diễn ra, một cách nhanh chóng và trên quy mô rộng. Hậu quả của nó có thể nhìn thấy trong vài chục năm, chứ không còn xa vời trong vài thế kỷ nữa. Bởi thế kế hoạch này dường như quan trọng và cấp thiết hơn so với 5 hay 10 năm trước, khi mật độ khí nhà kính thấp hơn.”

Hơn nữa, cách phản ứng “không hàng động” đối với hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ mang lại những nguy cơ nghiêm trọng. Vì theo Hellman, chúng ta từng nói: “Hãy để thiên nhiên tự làm công việc của nó”. Tuy nhiên, loài người đã thay đổi thế giới, khiến thiên nhiên không thể tự điều chỉnh nữa. Hiện nay, hành động hay không hành động đều tiềm ẩn nguy cơ. Chính vì thế, Richardson, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu bổ sung chúng ta phải triển khai những công cụ mới, những cách thức mới để cân bằng rủi ro giữa cách phản ứng hành động và không hành động.

“Phân bố lại có chi phối” không phải là phương pháp thích nghi gây tranh cãi duy nhất hiện đang được các nhà khoa học xem xét. Ngoài lựa chọn này, còn có các kế hoạch khác như cải tạo biển để tăng mức hấp thụ khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo tồn các hành lang di trú kéo dài tới hàng nghìn km, hay bảo tồn đa dạng gen của những loài gây đang bị đe doạ tuyệt chủng trong các ngân hàng giống cây.

Tốc độ biến đổi khí hậu là thủ phạm chính đe dọa sinh vật

Trước kia, khi biến đổi khí hậu diễn ra chậm hơn, rất nhiều loài sinh vật có thể tự sống sót bằng cách tự tham gia hoặc chuyển tới những môi trường mới dễ hòa nhập hơn. Tuy nhiên những cách thức sống sót đó nay đã không thể tiếp tục do:1) sự xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị và những trở ngại nhân tạo ngăn cản chúng tiếp cận những vùng đất mới. 2) Tốc độ biến đổi khí hậu quá lớn, nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng lên 6oC trong vòng 100 năm nữa, một sự thay đổi quá nhanh và lớn đối với các tiêu chuẩn của thiên nhiên.

Khi nhiệt độ tăng lên, phần lớn các loài sinh vật trên trái đất sẽ rơi vào tình cảnh mắc cạn như cá ra khỏi nước tại chính môi trường quen thuộc giờ đã trở nên quá nóng, quá khô, hoặc quá khắc nghiệt đối với chúng. Bởi thế chúng có thể bị tuyệt chủng hoặc mất đi những đoạn gen quan trọng. Điều này sẽ phá vỡ hệ sinh thái, huỷ hoại hệ thống kinh tế, văn hóa và nông nghiệp.

Kế hoạch mạo hiểm

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học trên về biện pháp “phân bố có chi phối” vẫn chưa đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận xung quanh việc áp dụng biện pháp này. Thậm chí điều này đôi khi còn khiến các thành viên của nhóm làm việc bất đồng với nhau. Tại sao biện pháp này lại gây nhiều tranh cãi đến vậy? Chính bởi vì nó đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có thực sự đủ kiến thức để lường trước được cách thức mà các loài sinh vật hoà nhập với môi trường mới hay không và liệu chúng có gây hại tới môi trường tiếp nhận chúng không?

Richardson cho biết, kết quả của việc đưa sinh vật vào môi trường mới một cách có chủ ý và ngẫu nhiên đã dạy cho chúng ta một bài học lớn về việc gắn kết các loài bị di chuyển với môi trường mới. Tuy nhiên, những dự đoán về khả năng thích nghi trên vùng đất mới và ảnh hưởng có thể gây ra của chúng là không phải là điều có thể chắc chắn.

Cuối cùng, công cụ nghiên cứu này được thiết kế là để giúp vạch ra những rủi ro, thoả hiệp, đánh đổi và cái giá phải trả của việc “phân bố lại” – những mối quan tâm vẫn thường bị bỏ qua khi đưa ra các quyết định liên quan tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, công cụ này sẽ cung cấp cho các nhà giám sát một hệ thống đánh giá từng kế hoạch “phân bố lại” dựa trên những rất nhiều tiêu chí.

Những tiêu chí đa ngành này bao gồm khả năng thành công của việc phân bố dự kiến, nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ sinh thái tiếp nhận, cái giá phải trả của việc “phân bố lại”, nguy cơ gây hại với các loài đang bị đe doạ và tầm quan trọng về văn hóa, xã hội của những loài bị ảnh hưởng.

Việc so sánh bản đánh giá của các nhà giám sát sẽ giúp họ xác định rõ nguyên nhân gây bất đồng quan điểm và nhờ thế chúng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, công cụ này không thể tự nó đưa ra những kiến nghị về cách quản lý.

Nancy Huntly, giám đốc Chưong trình NSF nói: “Công cụ này có ưu điểm ở chỗ, mặc dù các nhà khoa học không thể cho chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng dù sao nó cũng có thể cho chúng ta biết thế nào là một kết quả triển vọng – một thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định”.

Không chỉ áp dụng cho các loài bị đe doạ

Ngoài giải quyết vấn đề “phân bố lại có chi phối” cho các loài đang gặp nguy hiểm, công cụ này còn có thể giải quyết việc phân bố các loài không bị đe doạ. Ví dụ, trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ của nhóm nghiên cứu nói trên đã đề cập đến việc ứng dụng công cụ này để giải quyết cuộc tranh cãi rằng liệu một số loài thân gỗ Bắc Mỹ có thể vượt qua phạm vi biên giới phía bắc của chúng vào để đưa vào trồng trong những khu rừng tùng bách hay không.

Kết quả ứng dụng cho thấy việc “phân bố lại” này có thể có được sự ủng hộ của những người trồng rừng kinh doanh, những người vốn đánh giá cao tính hiệu quả kinh tế, tính khả thi mà lại ít nguy cơ rủi ro cho hệ sinh thái tiếp nhận. Ngược lại, những nhà bảo tồn vốn đánh giá cao những giá trị tự nhiên của hệ sinh thái tiếp nhận lại thấy điều này mang tới nhiều rủi ro và ít lợi ích.

Những phương pháp thích nghi đang gây tranh cãi khác có liên quan tới biến đổi khí hậu bên cạnh phương pháp “phân bố có chi phối” này hiện vẫn đang được các nhà khoa học xem xét.