Việt Nam thúc đẩy nỗ lực ngăn chăn nạn BBĐVHD

ThienNhien.Net – Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây chủ trì một hội thảo về vấn đề buôn bán động vật hoang dã trái phép, diễn ra tại Hà Nội. Tham gia có đại diện của các tổ chức bảo tồn quốc tế.


Hội thảo có sự góp mặt của các đại điện tới từ Mạng lưới Giám sát Hoạt động Buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Tất cả đã cùng nhau thảo luận, đưa ra vấn đề về ảnh hưởng của việc buôn bán động vật hoang dã tới thiên nhiên Việt Nam.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã tăng nhanh dẫn đến việc săn bắt các loài thú hoang dã nhiều hơn, chính điều này đã và đang đe dọa tới thiên nhiên của Việt Nam. Những động vật quý hiếm và nhiều loài động vật khác đang bị đe dọa và đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Có thể thấy đây là một trong những nguyên nhân rõ ràng nhất trong việc phá vỡ sự cân bằng sinh thái tại Việt Nam.

Trước thực trạng đó, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh những biện pháp để chống lại nạn buôn bán trái phép này. Đây là lần đầu tiên, một cơ quan tư vấn của Đảng đã trực tiếp tham gia vào nỗ lực bảo vệ các loài động vật đang bị buôn bán trái phép.

Về vấn đề này, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 15/11/2004, đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường; đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều thiếu sót và hạn chế.

Theo GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian tới cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học và các văn bản dưới luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý.

Ông cũng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, viên chức và người dân thay đổi hành vi và thói quen tiêu thụ không bền vững về sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã… Các cơ quan báo, đài, phương tiện truyền thông đại chúng cần có những chuyên trang, chuyên mục, thời lượng nhất định với những hình thức phong phú để tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên môi trường, tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vị xâm hại động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tại hội thảo, các đại diện của tổ chức quốc tế cũng rất ủng hộ ý kiến của ông Hùng. Ông Jame Compton, điều phối viên chương trình châu Á – Thái Bình Dương của TRAFFIC cho rằng, Việt Nam cần chống lại việc buôn bán các động vật hoang dã trái phép để thực hiện được những cam kết và để bảo tồn di sản độc nhất vô nhị cho thế hệ mai sau.