ThienNhien.Net – Dòng sông luôn gắn liền với những kỷ niệm của tuổi thơ, là miền ký ức của những người xa xứ. Dòng sông hiền hoà đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ. Chúng ta không ai không khắc khoải khi “trở về dòng sông tuổi thơ”, khi nghe cất lên câu vọng cổ “dòng sông quê em”, khi ai đó nhắc về “…quê hương tôi có con sông xanh biếc…”
Sông nước là đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long với hàng trăm ki lô mét sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Sông không chỉ là huyết mạch giao thương; là con đường trên sóng nước kết nối mọi miền quê. Sông còn là nguồn sống của bao lớp cư dân sống nghề thương hồ, hạ bạc. Sông bồi đắp nên những cù lao sum suê trái ngọt cây lành.
Dòng sông đi qua thành phố, thị xã như một nét duyên con gái, tạo nên sự mềm mại, thướt tha cho những khối nhà khô cứng. Sông Sài Gòn như một nét vẻ mềm mại giữa thành phố sôi động nhất nước; Sông Hương như dãi lụa vắt mình qua thành phố Huế thơ mộng; sông Hàn đưa thành phố Đà Nẵng hướng tầm vươn ra biển khơi lồng lộng gió…
Những đô thị miền Tây càng đặc sắc hơn với những dòng sông uốn mình qua phố chợ. Long Xuyên, Rạch Giá, Vị Thanh…những dòng sông đã làm dịu đi không khí ồn ào, tấp nập; là những hồ nước thiên nhiên toả không khí trong lành giữa mùa hè oi bức; những bờ sông như mềm mại hơn, thân thiện hơn bởi những đường nét mỹ thuật của kè chắn, trở thành công viên, nơi hóng mát, tập thể dục…Hơn tất cả, nơi đó còn là sinh cảnh của đô thị sinh thái, điểm thưởng ngoạn của du khách.
Sông nước Cà Mau cũng lung linh muôn vạn sắc màu. Sông Trèm Trẹm với ký ức của một mối tình trắc trở, sông Tam Giang chao liệng cánh hải âu, sông Gành Hào nhớ về thời mở cõi; sông Cái Tàu đưa ta về miền quê cây trái…Giữa đô thị Cà Mau hôm nay, lòng ta lại càng bâng khuâng trước một mái chèo của những chuyến đò nối đôi bờ phố thị.
Đêm, thành phố Cà Mau như lung linh, huyền ảo với ánh đèn hắt bóng xuống kênh xáng Phụng Hiệp, nối với sông Gành Hào tại ngã ba chùa Bà như cánh tay vạm vỡ, dang rộng ôm lấy phần còn lại của thành phố đang từng ngày đô thị hoá; cách biệt với khu phố chợ phường 2 đã trên trăm tuổi; kết nối với chợ phường 7, trung tâm mua bán sầm uất với đủ loại cây trái, rau quả. Xa xa là chợ nổi trên sông, những chiếc ghe hàng chao nghiêng theo nhịp sóng đùa, nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua và khách du lịch cảm thấy ngỡ ngàng, thú vị trước cảnh mua bán trên sông như một thứ đặc sản của miền Tây Nam bộ.
Con sông chảy qua thành phố như một nét duyên thầm con gái; tạo nên những đường nét mềm mại, thướt tha. Dòng sông như điểm nhấn về văn hoá vùng sông nước giữa đô thị Cà Mau. “Một chân dưới xuồng, một chân trên chợ” là nét riêng của cư dân sông nước. Những ngôi nhà nhìn về hai phía mặt tiền, giữa phố phường và sông nước, gắn liền với cuộc mưu sinh.
Tôi mơ về một dòng sông dịu dàng nép mình giữa đôi bờ phố xá. Ở đó, giữa dòng nước trong xanh đàn trẻ tung tăng nô đùa trên sóng nước; ven bờ là thảm cỏ, vườn hoa, công viên…để ta đắm chìm trong không khí mát lành; để chiều chiều e ấp những lời hò hẹn. Tôi mơ về một dòng sông, ở đó, phóng tầm mắt về kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp xa tít tắp, thấp thoáng trung tâm Thương mại Cửu long, khu đô thị Đông Bắc.
Không phải quá xa xôi. Bờ sông phường 2 vừa được chỉnh trang, cải thiện mỹ quan đô thị và vừa hài hoà lợi ích của người dân; bờ kè phường 7 cũng được khôi phục, là bến thuyền của du khách khi đến Cà Mau. Đoàn thanh niên đã huy động trên 2.000 lực lượng ra quân làm sạch những dòng sông trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2009. Bờ kè phường 2, phường 5 đang được lập dự án để xây dựng, chỉnh trang đô thị. Nghe đâu chỉ từ đoạn cầu Cà Mau đến cầu Phụng Hiệp đã trên 114 tỷ đồng. Tiền chưa phải là tất cả. Nhìn về tương lai 30, 50 năm sau, dưới bóng mát toả đôi bờ dòng sông xanh, các thế hệ tiếp theo sẽ thầm cám ơn những người đi trước với di sản tinh thần vô giá này.
Thành phố Cà Mau – đô thị sinh thái là ước mơ và là niềm tự hào của người Cà Mau. Và dòng sông thơ mộng lượn lờ qua phố là nét duyên quyến rũ để thành phố chúng ta thêm sâu lắng, thân thương.