ThienNhien.Net – Với mục tiêu đưa nghề chăn nuôi đại gia súc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của 12 xã vùng cao huyện Lục Ngạn, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trích ngân sách gần 100 triệu đồng giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng mô hình điểm “Trồng cỏ cao sản VA06, chăn nuôi bò nhốt tại chuồng” ở xã vùng cao Phong Vân.
Trong những năm gần đây, huyện Lục Ngạn đã thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn gia súc trâu, bò, dê, ngựa… tại 12 xã vùng cao” nhằm tận dụng tiềm năng đất đai – diện tích đồng cỏ lớn và nguồn nhân lực. Thực hiện chủ trương này, các xã vùng cao của huyện đều đã quan tâm đẩy mạnh phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc và coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn cùng ngành Lâm nghiệp – trồng rừng. Tuy nhiên đến nay chăn nuôi đại gia súc của Lục Ngạn nói chung và ở các xã vùng cao nói riêng vẫn không phát triển được là bao. Thậm chí còn đang có chiều hướng suy giảm.
Nguyên nhân do tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông của nhân dân vùng cao đã tồn tại từ lâu đời, việc làm chuồng trại chăn nuôi không bảo đảm kỹ thuật, thêm vào đó là công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc gặp nhiều khó khăn… nên đợt rét đậm, rét hại xảy ra vào đầu năm 2008 đã làm cho 1.261 nghìn con trâu, bò bị chết, gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người chăn nuôi.
Mặt khác, do việc phát triển nhanh diện tích rừng kinh tế và các hộ dân trước kia sống trong khu vực đất của trường bắn Quốc gia TB1 nay được di dân ra khu vực khác để trả lại đất Quốc phòng nên diện tích đồng cỏ bị thu hẹp lại là nguyên nhân chính làm cho đàn đại gia súc của huyện khó phát triển. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 22 nghìn con trâu và trên 6 nghìn con bò… .
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Chính phủ thông qua các chương trình 134, 135… nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội ở các xã vùng sâu vùng xa phát triển, tháng 7 vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn đã đầu tư gần 100 triệu đồng giao cho Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện mô hình điểm “Trồng cỏ cao sản VA06, chăn nuôi bò nhốt tại chuồng” ở xã vùng cao Phong Vân.
Ba hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình này đã được Phòng NN&PTNT huyện tổ chức cho đi học tập kinh nghiệm trồng cỏ, chăn nuôi bò ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Được tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt, biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn bò. Mỗi hộ đã được hỗ trợ (khoảng 20 triệu đồng) bằng 50% kinh phí mua 4 con bò cái sinh sản, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy chuẩn và được cấp giống cỏ cao sản VA06 để triển khai trồng trên diện tích 4 sào.
Ông La Văn Nam, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm: “UBND huyện lựa chọn xã Phong Vân là nơi thực hiện mô hình làm điểm, bởi đây là một trong những xã có đàn đại gia súc lớn nhất địa phương. Ngoài ba hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình, xã Phong Vân còn vừa được hỗ trợ 36 con bò cái sinh sản từ chương trình mục tiêu Quốc gia về hỗ trợ khuyến nông – khuyến lâm cho đồng bào dân tộc khó khăn. Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT cùng UBND xã Phong Vân đưa cả 36 hộ dân được hỗ trợ bò giống vào mô hình để tập trung thực hiện cho có hiệu quả”.
|
Mô hình “Trồng cỏ cao sản, chăn nuôi bò nhốt tại chuồng” ở xã Phong Vân được mở rộng ra 39 hộ dân với 48 con bò cái sinh sản. Do nhận thức được hiệu quả kinh tế từ mô hình này đem lại nên sau hơn một tháng triển khai, các hộ dân trong mô hình đã làm xong chuồng trại theo quy chuẩn kỹ thuật và trồng được hơn 3 mẫu cỏ VA06 tại những chân ruộng cao – cấy lúa không ăn chắc và trồng xen canh với vải thiều.
Trong đó ba gia đình ông Vi Văn Tìn, ông Trần Đình Vắn, ở làng Chả và ông Chu Văn Sảy, ở làng Rì trồng được khoảng 1,2 mẫu cỏ, còn lại 36 hộ dân ở các thôn bản trong xã Phong Vân, trung bình mỗi hộ trồng được 0,5 sào cỏ cao sản. Đối với những hộ triển khai trồng giống cỏ VA06 xuống chân ruộng cao còn được UBND huyện hỗ trợ 150 kg thóc/sào.
Kiểm tra việc thực hiện mô hình cho thấy, giống cỏ VA06 sinh trưởng và phát triển khá tốt trên đất Phong Vân. Theo ông Chu Văn Báo, trưởng Phòng NN&PTNT Lục Ngạn, đây là giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao chiếm khoảng 2,35%, còn các giống cỏ thường hàm lượng dinh dưỡng chỉ chiếm 0,5%.
Việc trồng cỏ cao sản, nuôi bò tại chuồng sẽ tránh được tình trạng đồng cỏ khan hiếm vào mùa khô, đảm bảo lượng thức ăn cung cấp đàn bò béo khoẻ, như vậy giá trị kinh tế cũng cao hơn đối với bò chăn thả rông theo phương thức truyền thống của nhân dân. Để thực hiện mô hình này thực sự hiệu quả, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, lập sổ theo dõi từng con bò, qua đó nhằm quản lý và phòng chống dịch bệnh tốt.
Qua tìm hiểu thực tế (tại các gia đình ông Đoàn Văn Tuấn, Đoàn Văn Tú… ) ở Mai Thượng – Hương Mai – Việt Yên (Bắc Giang) chúng tôi được biết, mỗi gia đình chỉ chăn nuôi một cặp bò cái sinh sản theo phương thức trồng cỏ – bán chăn thả, một năm thu lãi được 10 triệu đồng.
Việc thực hiện mô hình điểm “Trồng cỏ cao sản, chăn nuôi bò nhốt tại chuồng” được đánh giá là cơ sở quan trọng để nhân dân vùng cao Lục Ngạn so sánh với phương thức chăn nuôi truyền thống. Từ đó họ sẽ tự thay đổi tập quán chăn nuôi theo phương thức an toàn, có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặt khác, việc thực hiện mô hình thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của các xã vùng cao huyện Lục Ngạn, để nghề chăn đại gia súc sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế trọng tâm ở những nơi vùng cao còn khó khăn này.