ThienNhien.Net – Các nhà thám hiểm khoa học Nga trên chiếc tàu phá băng nguyên tử lớn “Yamal” đã rời cảng Murmansk, bắt đầu cuộc thám hiểm Bắc cực ở vĩ độ cao. Ông Vladimir Sokolov – trưởng đoàn thám hiểm cho biết, đoàn sẽ tiến hành khảo sát tổng hợp hiện trạng hệ sinh thái vùng Bắc cực.
Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, từ Murmansk, tàu “Yamal” sẽ thực hiện một chuyến đi 3 tuần, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tháo dỡ trạm nghiên cứu “Cực Bắc – 36” và sau đó đi chéo vùng đại dương tới nơi dự kiến bố trí trạm nghiên cứu mới “Cực Bắc – 37” tại khu vực kinh tuyến 180 độ.
Dự kiến tàu “Yamal” sẽ tới “Cực Bắc – 36”, nơi hiện có 18 nhà khoa học Nga đang làm việc, trong ngày 25/08.
Trạm nghiên cứu “Cực Bắc – 36” được dựng trên một tảng băng ở phía Đông Bắc cực từ tháng 09/2008, đã trôi dạt gần 2.700km và hiện đang tiến về phía bờ Greenland, khu vực dày đặc băng đá. Tảng băng này sớm muộn sẽ va chạm và nứt vỡ, bởi thế Nga đã có quyết định kết thúc hoạt động của “Cực Bắc -36”.
Nga là nước duy nhất trên thế giới hơn 70 năm qua sử dụng hình thức nghiên cứu khoa học đầy phức tạp và nguy hiểm – những trạm nghiên cứu trôi nổi trên các tảng băng lớn trong không gian bao la của Bắc Băng Dương.
Trong 2-3 năm gần đây, ngành thăm dò Bắc cực của Nga được tăng cường phát triển. Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu khoa học được tiến hành tại quần đảo Spitsbergen, nơi trung tâm khoa học Nga đang được thiết kế xây dựng.
Trong năm nay, Nga sẽ đưa vào sử dụng đài quan sát khí tượng ở làng Tiksi, thực hiện tổ hợp quan trắc khí quyển nhằm nắm bắt những biến chuyển khí hậu ở Bắc cực và nguyên nhân nhiệt độ ấm lên.
Suốt 15 năm qua, những thay đổi đáng kể về khí hậu đã diễn ra ở Bắc cực, một phần do các luồng nước ấm từ Đại Tây Dương tác động vào lớp vỏ băng của Bắc Băng Dương.
Cuộc thám hiểm lần này nằm trong chương trình “Arctic-2009”, dự định sẽ hoàn thành vào tháng 10/2009.