Người tiên phong phát triển kinh tế trang trại ở Hà Tĩnh

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, phong trào kinh tế theo hướng VACR ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh phát triển mạnh. Trong số những hộ làm kinh tế trang trại ở đây, phải kể tới mô hình trang trại của anh Phan Văn Sơn ở xóm Đập Hầu. Ngoài những cây, con phổ biến trong kinh tế trang trại thường thấy, anh Sơn “đột phá” ở đối tượng nuôi mới, đó là nuôi lợn rừng lai.


Anh Sơn nguyên là công nhân lâm trường Truông Bát (Nay thuộc công ty cao su Hà Tĩnh). Năm 1988, sau khi lập gia đình, anh được bố mẹ chia cho hơn 1 ha đất đồi ở vùng Đập Hầu để sản xuất. Sau đó, đến năm 1997, anh lại được nông trường giao khoán 15 ha đất lâm nghiệp gần đó để trồng, chăm sóc cây. Nhận thấy đất đai màu mỡ, có thể phát triển các loại cây ăn quả (CAQ), năm 1994, khi phong trào trồng CAQ trên địa bàn còn là khái niệm mới lạ với nông dân thì anh Sơn đã lặn lội khắp nơi, tầm về các loại giống CAQ bản địa để trồng. Từ cam, quýt, bưởi, hồng… rốt cuộc, anh sàng lọc, chỉ chọn cây cam làm cây chủ lực cho trang trại bởi chỉ có cây cam mới đưa lại giá trị kinh tế cao. Khi đã chọn được đối tượng chủ lực, anh không quản ngày đêm, đào đất lật cỏ, bạt núi, sẻ đồi để biến vùng đồi núi lô nhô thành khu vườn đồi lý tưởng.

Bên cạnh việc cải tạo trang trại, anh tích cực đi đây đi đó để tìm giống cam và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ những người trồng cam lâu năm. Nhờ đức tính chịu khó tìm tòi, học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã nắm vững kỹ thuật và áp dụng hiệu quả việc trồng cam ở đất đồi. Khi cây cam phát triển tốt và đưa lại giá trị kinh tế rõ rệt, anh đã tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích. Bên cạnh làm đất, anh đã chặn con khe nhỏ chảy qua trang trại để tạo thành 2 hồ, vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới cho cam. Đến nay, vườn cam của anh có trên 250 gốc, mỗi năm cho thu hoạch trên 4 tấn quả, đưa lại nguồn thu mỗi năm trên 60 triệu đồng.

Khi mọi người trong vùng đang đổ xô đầu tư mở rộng diện tích cây cam thì anh Sơn lại chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực mới, đó là nuôi lợn rừng lai. Nói chuyển hướng không có nghĩa là bỏ bê cây cam, mà anh chỉ dừng lại ở diện tích ấy và tập trung đầu tư mạnh vào nuôi lợn.
Anh cho biết, làm kinh tế trang trại là niềm đam mê đối với anh. Anh có thể lăn lộn ngoài trang trại từ sáng đến tối mà không biết mệt mỏi; anh có thể nghe rõ cả tiếng cựa mình của những lộc cam trong những đêm mùa xuân tĩnh mịch. Thế nhưng, anh thú thực, chăn nuôi, mà cụ thể là nuôi lợn rừng, mới thực sự là niềm mơ ước của anh.

Không phải ngẫu nhiên mà anh Sơn bén duyên với nghề nuôi lợn rừng. Mà, nghề đến với anh bằng chính sự tìm tòi của anh. Anh nói: “ Nhiều lần đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, thấy người ta nói về nuôi lợn rừng dễ quá, hiệu quả lại cao, thế là tôi muốn được thử nghiệm. Sau khi tìm hiểu, biết được hiện nay có khá nhiều nơi có bán giống lợn rừng, thế là tôi bàn với gia đình đầu tư trên 30 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và bắt đầu với nghề nuôi lợn rừng lai…”

Làm xong chuồng trại, anh vào tận Củ Chi –TP Hồ Chí Minh để xem cách người ta nuôi lợn như thế nào. Khi đã có được kiến thức về nuôi lợn rừng, tháng 04/2008, anh vào Đà Nẵng mua 3 con lợn nái và một con lợn đực rừng lai; người bạn của anh đang làm dự án du lịch ở Can Lộc cũng đầu tư cho anh một lợn nái và 4 lợn nhỡ để anh có thêm cơ hội phát triển. Tổng số vốn bỏ ra cho đàn lợn giống này khoảng trên dưới 70 triệu đồng.

Lợn rừng lai là loài dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống nên phát triển rất tốt. Chỉ sau mọt thời gian ngắn, đàn nái của anh đã sinh sản lứa đầu. Đến cuối năm 2008, anh Sơn đã xuất chuồng được mấy chục con lợn giống, thu về trên 60 triệu đồng.

Hiện tại, trong chuồng anh còn còn 3 con lợn nái sinh sản, một con lợn đực giống 19 con lợn nhỡ và 9 con lợn con. Với giá lợn giống là 250 ngàn đồng/kg, tổng đàn lợn này có giá hàng trăm triệu đồng. Anh cho biết, hiện tại đang nuôi lợn giống và bán lợn giống cho bà con nên chưa đầu tư nuôi theo quy mô lớn. Sắp tới, anh sẽ đầu tư mở rộng trang trại và nuôi lợn thương phẩm với mức hàng trăm con.

Với bước đột phá đưa lợn rừng về nuôi ở trang trại, anh Sơn đã bắt đầu tạo được phong trào nuôi lợn rừng ở Thượng Lộc cũng như một số nơi như Hương Khê, Hương Sơn…