Ao hồ ở Vĩnh Yên đã không còn xanh

ThienNhien.Net – Hơn mười năm trước, người dân Vĩnh Yên vẫn chọn ao, hồ…trên địa bàn để tắm giặt, bơi lội trong những ngày oi bức. Ở những nơi này có cảnh quan thật đẹp, làn nước luôn trong xanh, tôm cá tự nhiên phát triển quanh năm giúp cho hàng trăm hộ dân địa phương làm nghề chài lưới đã sống sung túc với nghề. Rất nhiều loài chim, cò, vịt trời… cũng tìm về đây tìm kiếm tôm cá làm thức ăn, trú ngụ, sinh sống trên những rặng tre, rặng lộc vừng xanh mướt bám quanh hồ nước ngắm tựa như một bức tranh. Giờ đây, cảnh tượng ấy chỉ còn đọng lại trong tâm trí, ký ức, trong sự luyến tiếc của người Vĩnh Yên, bởi hệ thống ao, hồ ở thành phố này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Tại đây, một số hồ có màu nước từ trong xanh ngả sang đen ngòm và bốc mùi hôi nồng. Những rặng tre xanh, hàng lộc vừng, cây si, cây sung… xung quanh ao, hồ ngày nào nay đã bị tàn phá tan hoang, nhường chỗ cho cỏ dại, cho rác thải đủ loại. Người dân thì đổ lỗi cho chính quyền và ngành chức năng yếm kém trong công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền lại đổ cho người dân thiếu ý thức, đổ chất thải, rác thải ra môi trường tràn lan đã làm cho các ao, hồ, đầm trên địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng.

Điển hình như đầm Vạc, là một đầm thiên nhiên có từ lâu đời thuộc khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đầm có mặt nước lúc nước dâng cao nhất trên dưới 500 ha, có hơn 20 nhánh chạy lan toả ra nhiều phố, phường trong thành phố ví như con bạch tuộc. Đầm Vạc có vai trò điều tiết khu vực tiểu khí hậu, có cảnh quan và là điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay đầm Vạc bị ô nhiễm môi trường nước và ngày càng có xu hướng tăng. Qua các đợt xét nghiệm mẫu nước tại một điểm trong đầm cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt cả chục lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân do dân sống ven hồ ngâm tre, gỗ, vứt rác thải, đổ nước thải, xác gia súc gia cầm chết xuống đầm. Nghiêm trọng hơn, những năm trước đây người dân chiếm dụng mặt nước của đầm, dùng lưới quây và nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp công nghiệp, lượng thức ăn chăn nuôi đổ xuống hồ quá lớn làm cho đầm này mất khả năng tự làm sạch…

Tương tự, tại đầm Vậy thuộc phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên cũng ô nhiễm không kém. Đầm này có diện tích 6,7 ha và đã giao cho bà Nguyễn Thị Hoà ở khu hành chính 5, phường Đống Đa thầu để nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tháng 07/2009, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ở các phường dồn về đầm Vậy đã làm cho tôm, cá ở khu đầm chết nổi trắng mặt nước. Có ngày tại đầm Vậy có tới gần một tấn cá chết, gia đình bà Hoà đã mất khá nhiều công sức vớt cá lên bờ để đem chôn cho đỡ ô nhiễm. Theo bà Hoà, qua 3 năm nhận thầu đầm Vậy (từ 2007 – 2009) để nuôi cá bà đã đầu tư 500 – 600 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền mua con giống mà số tiền thu về chỉ vài chục triệu đồng. Nguy cơ gia đình sẽ trở thành con nợ vì làm ăn liên tục rủi ro mà nguyên nhân chính là nguồn nước thải không qua xử lý ở nhiều nơi đổ về làm ô nhiễm nước dẫn đến việc tôm, cá chết hàng loạt.

Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ khá nhanh, nhưng khả năng ứng phó với tình trạng rác thải, nước thải công nghiệp…còn rất chậm. Bằng chứng là sau khi bãi rác ở núi Bông ngừng hoạt động vào đầu năm 2009 (nơi tiếp nhân rác của thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên) thì đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa quy hoạch bãi rác thải đúng quy định và “dài hơi”. Rác thải sinh hoạt của hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên vẫn được tập kết tạm ở một số nơi đất trống vùng ngoại ô, khiến cho thành phố mất mỹ quan. Nước thải, rác thải được người dân “tống” xuống đầm, ao, hồ và đã làm môi trường ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Hơn một năm qua, người dân thành phố Vĩnh Yên liên tục đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xử lý tình trạng ô nhiễm đầm Vạc và một số ao, hồ khác tại địa bàn. UBND tỉnh hiện đang chỉ đạo ngành chức năng triển khai xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải tập trung của thành phố Vĩnh Yên bằng nguồn vốn ODA, khi hoàn thành hy vọng vấn đề ô nhiễm đầm Vạc, đầm Vậy và các ao hồ khác sẽ được cải thiện.