ThienNhien.Net – Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn huyện Củ Chi có diện tích đất nông nghiệp 32.516ha; trong đó, diện tích gieo trồng cây rau trên 5.300ha. Trong sản xuất cây rau, việc cơ giới hoá chiếm 60%, tập trung chủ yếu khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc. Do áp lực đô thị hoá nên lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm. Vì thế, việc chuyển giao các loại máy xới tay BL120, BL550 và máy phun thuốc BL100L cho nông hộ đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động trên địa bàn huyện.
Từ tháng 12/2008 đến tháng 08/2009, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình trình diễn ứng dụng cơ giới trên cây rau các loại máy xới tay và phun thuốc cho 19 hộ tham gia với 19 máy tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh, Phú Hoà Đông của huyện Củ Chi. Các hộ tham gia đều có diện tích sản xuất cây rau từ 1 – 2ha. Tổng giá trị 19 máy gần 228 triệu đồng; trong đó, Trạm đầu tư 50% kinh phí.
Sau 8 tháng triển khai, kết quả cho thấy: năng suất máy phun thuốc BL100L đạt 2 giờ/ha, thay thế 3 lao động thủ công; năng suất máy xới tay BL120 đạt 10 giờ/ha, thay thế 10 lao động và năng suất máy xới tay BL550 đạt 20 giờ/ha, thay thế 4 lao động. Hiệu quả chi phí làm đất trên 1ha với các loại máy giảm 50 – 60% so với chi phí làm đất bằng lao động thủ công. Như máy xới tay BL550 chi phí 1.200.000đ/ha làm đất, trong khi đó thuê lao động thủ công tốn 4.000.000đ/ha; máy phun thuốc BL100L chi phí 120.000đ/ha làm đất, thuê lao động thủ công phun thuốc bằng bình bơm tay tốn 300.000đ/ha…
Ngoài ra, nông hộ sử dụng máy xới tay và phun thuốc cần thành lập tổ sản xuất từ 10 – 20 hộ liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất hoặc làm dịch vụ cơ giới hóa, chuyên làm đất, phun thuốc cho các nông hộ khác mới phát huy hết năng suất của máy…
Kỹ sư Dương Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi nhận định, việc ứng dụng cơ giới hoá trên cây rau trên địa bàn huyện đã cải thiện tình trạng thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện nông hộ mở rộng diện tích sản xuất, giảm tình trạng bỏ ruộng hoang; đảm bảo sức khoẻ và bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện nhanh và hiệu quả hơn; mô hình này giúp cho việc đưa cơ giới ngày càng sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của Đảng và Nhà nước.