ThienNhien.Net – Ngày 18/08, một “chị” gấu trúc đã sinh đôi thành công, với kết quả mỹ mãn gồm cả "nếp lẫn tẻ", tại tỉnh Thiếm Tây, Trung Quốc. Đây là một tin mừng trong lúc Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đang cảnh báo loài động vật quý hiếm này có thể sẽ bị tuyệt giống sau “hai hoặc ba thế hệ nữa” do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã phá hủy môi trường sống của chúng.
Trung tâm nghiên cứu chăn nuôi và giải cứu động vật hoang dã quý hiếm tỉnh Thiểm Tây hiện là ngôi nhà chung của 20 con gấu trúc, tất nhiên trong đó có cả hai “thiên thần” mới chào đời.
Hiện tại chỉ còn khoảng 1.590 con gấu trúc đang sinh sống trong môi trường hoang dã ở Trung Quốc, trong đó tập trung ở tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Ít nhất có 180 con bị nuôi nhốt.
Theo cảnh báo của WWF, môi trường sống của loài gấu trúc đang bị chia cắt, do việc xây dựng những con đường cao tốc đi qua các khu bảo tồn thiên nhiên, khiến cho chúng khó có thể giao phối với nhau và ngăn cản sự di trú.
“Rất nhiều con gấu trúc tại Trung Quốc đang trong những khu vực nhỏ hẹp, dễ bị con người xâm phạm. Một lựa chọn bắt buộc trong điều kiện sống này là gấu trúc sẽ phải giao phối cận huyết, làm suy giảm chất lượng giống nòi. Nếu như gấu trúc không thể giao phối với những đối tác đến từ những khu vực khác, chúng sẽ đối mặt với việc bị tuyệt giống trong vài thế hệ tới”, ông Fan Zhiyoung – người đứng đầu chương trình bảo vệ môi trường của WWF tại Trung quốc cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của WWF, 43% diện tích khu vực sống của gấu trúc và 29% số lượng gấu trúc đang không được bảo vệ một cách hiệu quả tại các khu bảo tồn thiên nhiên.
Do đó, nhiều chương trình bảo tồn gấu trúc đã được tiến hành, nhưng đôi lúc cũng trải qua những giai đoạn khó khăn, cụ thể như trận động đất ở Tứ Xuyên đã phá hủy khu bảo tồn Wolong vào năm ngoái.