Hai phát hiện độc đáo dưới đáy hồ Baikal

ThienNhien.Net – Đoàn thám hiểm khoa học đáy hồ Baikal trên hai tàu lặn "Hòa bình -1" và "Hòa bình-2", do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức, đã kết thúc tháng làm việc thứ hai với 2 phát hiện độc đáo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.


Phát hiện thứ nhất là mỏ khí hydrat nằm nổi trên đáy hồ. Trước đây, những mỏ tương tự chỉ thấy được trong lớp đất trầm tích ở độ sâu 30-50cm dưới đáy biển và sâu hơn nữa. Hồ Baikal là hồ duy nhất trên thế giới đã phát hiện thấy mỏ khí hydrat như vậy.

Viện sĩ Robert Nigmatulin, Giám đốc Viện Hải dương học Nga, cho biết, khí hydrat là chất cháy tồn tại ở dạng rắn được hình thành từ khí metan tự nhiên và nước, trong điều kiện áp suất cao (hơn 20-25 atmosphere) và thậm chí ở nhiệt độ 5-6oC, nó vẫn có dạng đóng băng.

Một số chuyên gia coi khí hydrat là nguồn nhiên liệu sạch của tương lai. Ngoài ra, khí hydrat là nguồn năng lượng tái sinh, vì trên đáy biển và đáy hồ thường xuyên hội tụ những trầm tích mới.

Một thành tựu lớn của đoàn thám hiểm khoa học trên hai tàu lặn “Hòa Bình” là lần đầu tiên trong lịch sử đã đưa lên mặt đất túi khí hydrat có trọng lượng gần 5 kg.

Đến nay, sự phân giải của khí hydrat luôn là một vấn đề công nghệ, cản trở quá trình vận hành sản xuất hàng loạt.

Hiện nay, các nhà khoa học của Viện Hải dương học tin chắc rằng, vấn đề này sẽ được khắc phục theo kết quả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.

Phát hiện thứ hai là ở phía Bắc hồ Baikal, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới, tồn tại những vi sinh vật độc đáo mà giới khoa học chưa từng biết tới.

Hai chiếc tàu lặn hiện đang trong giai đoạn 2 của chương trình khảo sát đáy hồ Baikal, sẽ tiếp tục làm việc tại hồ trong một tháng nữa.

Trong giai đoạn này, các nhà khoa học sẽ thực hiện khoảng 100 chuyến lặn thám hiểm tại 3 vùng lòng chảo của hồ.

Chương trình nghiên cứu đáy hồ Baikal được bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái. Trong thời gian khoảng 1 tháng rưỡi của giai đoạn 1, “Hòa bình – 1” và “Hòa bình – 2” đã tiến hành 52 cuộc lặn, gồm cả chuyến lặn xuống điểm sâu nhất dưới đáy hồ, ở độ sâu khoảng 1.680 m. Đoàn nghiên cứu đã lần đầu tiên phát hiện được những loại đất đá có chứa dầu, lớp đất đáy kiến tạo địa chất được hình thành sau các trận động đất cũng như thu thập được những mẫu dầu, nước và sinh vật sống dưới đáy hồ Baikal.

Hồ Baikal nằm ở phía Nam vùng Siberi của Nga, có chiều dài 636 km, dung tích 23.000 tỷ m3 nước, chiếm tới 20% dự trữ nước ngọt của toàn thế giới và 90% của nước Nga. Đây là nơi sinh sống của hơn 1.700 loài động, thực vật dưới nước, trong đó có rất nhiều loài không hề có ở bất kỳ hồ nước nào trên Trái Đất. Hồ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.