ThienNhien.Net – Dãy núi Himalaya rộng lớn có địa hình hiểm trở, nhưng lại là một kho tàng đa dạng sinh học mời gọi sự tìm tòi khám phá. Tại khu vực phía Nam Himalaya thuộc Kathmandu, Nepal các nhà khoa học đã phát hiện gần 350 loài động vật mới, trong đó có các loài như ếch bay hay tắc kè đã tồn tại tới cả triệu năm tuổi.
Trong vòng một thập kỉ qua, từ năm 1998 đến 2008, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều điều thú vị về các loài động vật tại vùng núi xa xôi hẻo lánh của dãy Hymalaya. Trong đó phải kể tới việc phát hiện loài ếch bay có màu xanh lá cây nhạt (Rhacophorus suffry). Ngoài ra, loài ếch đặc biệt này còn có màng chân màu đỏ và có thể bay lượn trên không.
Kế đến là việc tìm ra là loài tắc kè 100 triệu tuổi trong những hầm mỏ hổ phách ở thung lũng Hukawng thuộc Himalaya. Đây là loài tắc kè cổ xưa nhất được khoa học biết tới.
Còn ở phía Đông của dãy Himalaya – nơi nguyên sơ nhất trên trái đất, các nhà khoa học đã phát hiện ra một động vật nhỏ bé có lông màu nâu nhạt, mắt đen. Lúc đầu, họ tin rằng sinh vật nhỏ bé này là cá thể chưa trưởng thành của một loài vật đã được biết đến, nhưng kết quả kiểm định DNA cho biết đó là một loài mới hoàn toàn.
Sự hẻo lánh xa xôi đã khiến vùng đất này thành nơi ẩn náu an toàn của ít nhất 10.000 loài động thực vật, trong đó có 300 loài động vật có vú, 977 loài chim, 176 loài bò sát, 105 loài lưỡng cư và 269 loại cá nước ngọt, cũng là nơi cơ mật độ cao nhất loài hổ Bengal và là thành trì cuối cùng của loài tê giác một sừng lớn nhất.
Theo Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), hoạt động chính của Tổ chức này sẽ nhằm bảo tồn nơi sinh sống của những loài có nguy cơ tuyệt chủng như loài báo tuyết, hổ Bengal, voi châu Á, gấu trúc đỏ, trâu, khỉ vàng châu á, cá heo Gangetic, và tê giác một sừng cũng như hàng ngàn loài động thực vật khác được khám phá ở vùng phía đông Himalaya.
Trong 350 loài mới có 244 loài thực vật, 16 loài lưỡng cư, 16 bò sát, 14 loài cá, 2 loài chim,2 loài động vật có vú và ít nhất 60 loài động vật không xương sống.
Dãy núi Hymalaya có thể coi là một kho tàng sinh học vô cùng đa dạng và phong phú, với rất nhiều loài động vật hoang dã. Chính vì thế, sự tan rã băng nhanh chóng trên đỉnh Himalaya và những tác động khác của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới nơi đây.