Nông dân sáng chế máy làm bánh cuốn

ThienNhien.Net – Vượt qua những khó khăn về tài chính, anh nông dân Bùi Đỗ Hậu (xã Bính Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã chế tạo thành công chiếc máy làm bánh cuốn và máy làm bánh đa nem tự động nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.


Sản xuất không kịp

Tìm đến xưởng chế tạo máy làm bánh cuốn tự động của nông dân Bùi Đỗ Hậu, đặt ngay trong sân của ngôi nhà nằm gần cầu Thạch Bích mà cả gia đình anh đang ở. Chỉ vào chiếc máy sắp hoàn thành, khi 5 người thợ đang cùng nhau lắp ráp những chi tiết cuối cùng, anh Hậu cho biết: “Mấy chú cháu đang phải chạy đua với thời gian, để kịp sáng mai đi Thanh Hóa giao cho khách hàng theo đúng đơn đặt hàng trước đó”. Theo anh Hậu, xưởng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng làm cũng không hết việc và hiện anh đang còn “mắc nợ” 4 khách hàng ở Cần Thơ, Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Quảng Nam.

“Giá bán máy không phải là “mềm”, 35 triệu đồng/máy làm bánh cuốn, 45 triệu đồng/máy làm bánh đa nem tự động nhưng hiện sản phẩm của chúng tôi đã bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Không những thế, 4 chiếc máy làm bánh cuốn do chúng tôi tạo ra hiện đã có mặt tại Mỹ” – anh Hậu khoe.

Vốn là, sau khi đem máy đi trưng bày ở các hội chợ được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM… ngoài những người làm bánh cuốn trong nước biết đến, chiếc máy làm bánh cuốn còn “lọt” đến tai của những Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Có người mua vé máy bay về nước, tìm đến xưởng nhỏ của Hậu học cách tháo lắp, vận hành rồi mua máy đem sang Mỹ lắp đặt, làm bánh để kinh doanh.

Anh Hậu cho biết: “Nghe nói, họ bán bánh cuốn bên đó cũng chạy lắm, lời lãi thu về cũng nhiều. Bánh cuốn – đặc sản mang đậm chất đồng quê của người Việt, người con nào khi xa quê mà chẳng nhớ, chẳng yêu”.

Nếu làm thủ công, 4 người làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ làm ra được 2.000 chiếc bánh cuốn. Nhưng cũng với 4 người đó “đứng” máy do Hậu chế tạo ra, 1 giờ đã làm được tới 1 vạn chiếc bánh có chất lượng cao, hình dáng và kích thước giống hệt nhau.

7 năm mới hoàn thành

Thế nhưng, để có được “lộc trời” như cách nói của anh về việc tạo ra những chiếc máy ấy, người nông dân này đã phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo với rất nhiều khó khăn, vất vả, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc.

Sinh ra tại làng Thanh Lương, nơi có nghề làm bánh cuốn truyền thống nổi tiếng của “đất trăm nghề” (Hà Tây cũ), tuổi thơ của Hậu gắn liền với những chiếc cối xay bột, nồi tráng bánh và những thúng bánh cuốn thơm phức mùi hành, lóng lánh ánh mỡ. Trở về làng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hậu lại cùng anh chị em trong nhà gắn bó với nghề làm bánh cuốn. Thấy bà con cứ làm quần quật suốt đêm về sáng ngâm gạo, xay bột, rồi ngồi bên bếp than tỉ mẩn tráng từng chiếc bánh cuốn mới đủ cho buổi chợ, Hậu nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy tráng bánh tự động, vừa làm được nhiều bánh, vừa giải phóng sức lao động cho mọi người. Đó là vào những năm 1990 của thế kỷ trước.

“Tôi học chưa hết một lọ mực nhưng trời cho có khiếu về máy móc, mọi người xung quanh vẫn nói thế mà. Vả lại, cũng chẳng phải mình tôi nghĩ ra đâu. Anh em trong nghề làm bánh mỗi người góp một ý đấy. Tôi liều nên quyết định biến nó thành hiện thực. Cần phải giữ nguyên công nghệ cổ là tráng bánh bằng hơi nước nóng, ban đầu tôi hướng tới việc xây dựng khu đun nước và dẫn hơi nước nóng chạy đến chiếc nồi hấp để làm chín bánh”, anh Hậu nhớ lại.

Nghĩ là làm, Hậu vay mượn 10 triệu đồng, lấy tiền đó mua vật liệu xây bếp rồi trở lên tận Hà Đông thuê người ta hàn xì theo yêu cầu của mình. 5 năm sau, năm 1995, chiếc máy đầu tiên ra đời nhưng khi vận hành lại không như ý của người “đẻ” ra nó: bột không được “nặn” thành bánh. Thấy vợ xót của vì bột bị hỏng, Hậu đi tìm mua tới 20 con lợn về nuôi. “Mẻ bánh nào hư, mấy chú lợn lại được hôm ăn tiệc, tôi thì đỡ tiếc tiền mua gạo và công xay bột, mẹ nó vì thế cũng bớt cằn nhằn. Tôi vừa làm vừa điều chỉnh, khắc phục dần các lỗi của máy. Mỗi khi gặp sự cố, tôi ngồi cách xa chiếc máy, vừa hút thuốc, uống rượu, vừa ngắm máy ngẫm nghĩ tại sao nó lại thế? Ngắm mãi rồi cũng nghĩ ra cách khắc phục”, anh Hậu kể chuyện.

Cuối cùng trời cũng chẳng phụ người có công, năm 1997, chiếc máy làm bánh cuốn tự động hoàn thành, chạy “ngon ơ”. Anh Hậu giới thiệu về chiếc máy: “Máy gồm 2 bộ phận chính: bình cấp hơi nước và hệ thống làm bánh. Trong đó, bình cấp hơi nước được đặt trên một bếp xây bằng gạch, có thể dùng than hoặc củi để đun. Hơi nước nóng bốc lên được dẫn tới khu vực làm bánh thông qua các ống dẫn bằng kim loại. Tại đây, người thợ chỉ cần đóng cầu dao, máy bắt đầu chạy. Bột nước chảy từ bình đựng bột qua hệ thống hấp bánh. Sau đó, bánh được băng chuyền chuyển qua giàn đỡ bánh và được cắt với chiều dài, rộng hoặc dày mỏng theo ý muốn của người đứng máy. Phần việc còn lại chỉ là xếp bánh vào thúng đem đi bán”.

Khi đó, Hậu mừng như bắt được vàng vì bánh làm ra có hình thức rất đẹp, ăn vừa dai lại vừa giòn. Nhưng cái gì mới, không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay. Người ta bảo Hậu dùng phoóc-môn mới có thể làm ra những chiếc bánh ngon, trông bắt mắt như vậy. Không ai mua bánh của gia đình Hậu nữa. “Cái khó ló cái khôn”, anh Hậu bắn tiếng với dân làng: “Ai có bột, đem đến tôi làm bánh cho, không lấy tiền”. Một người, hai người. Rồi cả làng, ai cũng muốn đem bột đến nhờ anh Hậu làm bánh. Nỗi oan được giải. Hậu chuyển qua chế tạo máy bán cho bà con, việc làm không hết và tiền của nhờ vậy cũng ngày một dư dả…

Chưa dừng lại ở đó, 3 năm sau, anh Hậu lại chế tạo thành công máy làm bánh đa nem tự động bằng cách gắn thêm vào máy làm bánh cuốn hệ thống rải bánh lên phên nứa. Với chiếc máy này, người làm bánh chỉ còn mỗi việc là đem phên bánh đi phơi. Các công đoạn khác, máy tự làm được hết. Chiếc máy làm bánh đa nem tự động hiện còn một nhược điểm duy nhất: vẫn phải rải bánh lên phên rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời nên việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tốn thêm nhân lực và thời gian. “Tôi đang nghiền ngẫm để cải tiến chiếc máy sao cho bánh được sấy khô luôn trong máy, khi bánh ra lò, mọi người chỉ việc đóng gói và đem bán. Ý tưởng và phương án cải tiến đã hòm hòm, sang năm mọi thứ sẽ ổn, tôi tin là như vậy” – nông dân Bùi Đỗ Hậu quả quyết.