Lợi thế du lịch đường bộ Việt Nam

ThienNhien.Net – Vừa qua, một hội thảo mang tầm quốc tế bàn về phát triển du lịch đường bộ Việt Nam đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cùng với sự tham gia của ngành du lịch các nước Thái Lan, Lào, Campuchia. Đa số đều thống nhất rằng tiềm năng du lịch đường bộ của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt kết nối theo hành lang kinh tế Đông-Tây. Tuy nhiên, do nhiều lý do, lợi thế này của Việt Nam vẫn chưa được khai thác tốt.


Đã thực sự sôi động?

Đại diện Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Du lịch đường bộ đang trở nên sôi động, thu hút nhiều quốc gia quan tâm trong khu vực”. Ông dẫn chứng: “cuối năm 2004, đoàn diễu hành với 63 xe ô tô, 250 thành viên của 11 quốc gia đi chặng đường 10.000 km qua 9 nước đã kích thích cho sự bùng nổ bằng loại hình xe du lịch tự lái, đặc biệt cuối năm 2005 với sáng kiến của Thủ tướng Việt Namvà Thái Lan khai thông loại hình du lịch đường bộ. Vì vậy, từ 2006-2008, các DN lữ hành quốc tế đã tổ chức cho gần 200 đoàn caravan với gần 3.500 xe các loại, khoảng 11.000 lượt khách, thúc đẩy các loại hình du lịch đường bộ khác, thu hút mỗi năm 60.000 đến 90.000 lượt khách qua cửa khẩu miền Trung Việt Nam”.

“Lượng khách du lịch đường bộ đến nước ta đã tăng lên đáng kể, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương khai thông du lịch đường bộ và khẳng định đây sẽ là thế mạnh của du lịch Việt Nam” – ông Bình nói.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Trung Lương, Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: “lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ luôn chiếm số lượng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến (khoảng 30%). Khách du lịch đến từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn khách du lịch quốc tế của Du lịch Việt Nam nhờ Chính phủ đã có những chính sách phù hợp như Quy chế 229, 849 và một số hiệp định song phương, đa phương”.

Ngoài ra, ở nước ta, qua 3 năm thí điểm loại hình du lịch carava, đã xác định đây là thế mạnh để thu hút khách du lịch đến từ Thái Lan, Maylaysia, Singaporevà các nước khác. Tuy nhiên, khách du lịch theo loại hình này thường là người có thu nhập khá cao và hướng tới những sản phẩm du lịch cao cấp.

Vẫn còn nhiều bất cập!

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, Từ lâu Việt Nam đã quan tâm phát triển du lịch đường bộ, nhất là những năm gần đây. Dù vậy, hạ tầng giao thông mặc dù đã được nâng cấp, các cửa khẩu quốc tế được mở rộng và phát triển tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác du lịch đường bộ, nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng.

Ngoài thị trường du lịch bằng thẻ qua cửa khẩu ở phía bắc, tuyến du lịch đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung và miền Nam đã góp phần thêm thương hiệu cho du lịch Việt Namvới bạn bè các nước ASEAN – đó là du lịch caravan.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cho phát triển du lịch đường bộ Việt Nam bởi lượng khách đến vẫn còn rất khiêm tốn. Theo ông Tuấn thì nguyên nhân dẫn đến du lịch bằng đường bộ chưa hấp dẫn du khách vì còn nhiều thủ tục như việc xin phép cho các đoàn khách Caravan vào Việt Nam, quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn mất nhiều thời gian, nhất là khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc.

Cùng quan điểm đó, ông Văn Hữu Chiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, do việc tổ chức khai thác của các doanh nghiệp thiếu lành mạnh trong cạnh tranh, thủ tục qua lại cửa khẩu vẫn còn khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch trên tuyến đường xuyên Á còn thiếu đồng bộ, thiếu trạm dừng chân phục vụ du khách.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Khu, đại diện cục đường bộ Việt Nam cho biết, từ năm 2002, Bộ GTVT đã giao Cục đường bộ lập dự án quy hoạch một số điểm dừng nghỉ trên một số quốc lộ chính. Năm 2006, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp Việt Nam quy hoạch tổng thể trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó xây dựng 3 trạm thí điểm ở Bắc Giang, Ninh Bình (QL1) và Hòa Bình (QL 6).

Hiện dọc các QL chính của Việt Nam đã có một số trạm dừng nghỉ và nhiều cơ sở như quán ăn, nhà hàng, trạm xăng dầu ven đường tương tự như trạm nghỉ. Các cơ sở dịch vụ này đã cung cấp một số dịch vụ cần thiết cho phương tiện và khách đi đường như ăn uống, nghỉ ngơi, đi vệ sinh…

Tuy nhiên, lại chủ yếu do tư nhân tự đầu tư, tự phát, không quy hoạch, không đồng bộ… nên chất lượng phục vụ của đội ngũ làm du lịch này chưa cao, thức ăn, giá cả bất hợp lý, phục vụ chưa chuyên nghiệp ảnh hưởng đến hành khách.

Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ, hầu hết các đại biểu trong và ngoài nước đều thống nhất rằng: phải cải thiện các vấn đề trên, thì du lịch Việt Nam mới tận dụng và khai thác tốt tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây của miền Trung cũng như các tour, tuyến du lịch các phía Bắc và phía Nam.