ThienNhien.Net – Ngân hàng Thế giới (WB) đã có bề dày kinh nghiệm với thủy điện – lĩnh vực được họ gọi là “mối quan hệ lâu dài và phức tạp”. Sau một thời gian trầm lắng đầu tư do vấp phải sự phản đối của các tiếng nói vì môi trường, xã hội, WB mới đây tái xuất trong vai một nhà đầu tư lớn cho các dự án thủy điện “chất lượng cao”.
Nhìn lại vai trò của WB trong phát triển thủy điện
Vào những năm 1990, mối quan tâm đến môi trường, sự công bằng về nguồn nước, di dân và công bằng xã hội đã dẫn đến nhiều vụ phản đối và tố tụng xung quanh các dự án thuỷ điện. Kết quả là WB giảm mạnh nguồn vốn tài trợ cho phát triển thuỷ điện, và cắt hoàn toàn nguồn vốn này vào năm 1999.
Năm 2003, WB đã tài trợ trở lại cho các dự án thuỷ điện bao gồm Thủy điện Bujagali ở Uganda, Bumbuna ở Sierra Leone, Felou ở Senegal, Nam Theun 2 ở Lào và Rampur ở Ấn Độ.
Báo cáo gần đây nhất của WB với tiêu đề “Xu hướng trong Thuỷ Điện: Gia tăng đầu tư cho phát triển” do chuyên gia về nước Daryl Fields chỉ đạo thực hiện đã đề cập đến vai trò trở lại của WB trong phát triển thuỷ điện, cũng như đánh giá những thử thách và cơ hội của thủy điện ngày nay. Việc cơ cấu lại đầu tư thuỷ điện đang được tiến hành, bắt đầu bằng việc đánh giá và đưa ra con số tiềm năng về phát triển thủy điện mà không làm tổn hại tới nguồn tài nguyên nước của thế giới là khoảng 1.333 GW.
Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ cho rằng con số điện năng đó sẽ thấp hơn nếu tính đến các tác động về xã hội và kinh tế. Một số cũng tỏ ra nghi ngờ, không tin rằng phát triển thuỷ điện ở quy mô lớn là lời giải cho bài toán điện khí hoá nông thôn.
Theo Elizabeth Bast, Giám đốc Chương Trình Quốc Tế của Mạng lưới Những Người bạn Trái đất, những dự án thuỷ điện lớn đã dẫn đến những ảnh hưởng không thể phục hồi đối với hệ thống sông ngòi và hệ sinh thái. Việc di dời các cộng đồng dân cư, thậm chí chỉ là những thị trấn nhỏ, thường không mang lại lợi ích kinh tế, và ngay cả điện năng cho cư dân sống gần khu vực các đập nước. Thêm vào đó, các hồ chứa nước từ các công trình đập thủy điện đã sản sinh một lượng đáng kể khí thải nhà kính, góp phần làm thay đổi khí hậu.
Cho đến lúc này, WB vẫn tin tưởng rằng thuỷ điện, nếu được phát triển bền vững, có thể làm dịu bớt rất nhiều vấn để toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, khí thải cácbon và an ninh năng lượng. Họ quả quyết rằng những tiêu chuẩn mới trong phát triển thuỷ điện hiện có tính đến các vấn đề an ninh nguồn nước, hợp tác giữa các vùng và di dời dân cư, song cũng đồng thời thừa nhận rằng đó không phải là tình trạng của hầu hết các dự án thuỷ điện lớn đang được triển khai.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới thực tế đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực trong cả nền công nghiệp và trong cả các quốc gia đối tác của WB, cùng sự quản lý và khung chính sách còn lỏng lẻo. Vẫn còn vô số những rắc rối tồn tại, mà bản chất đa ngành, đa mục tiêu của các dự án thuỷ điện càng làm trầm trọng hơn cách tiếp cận quản lý đầy rủi ro đối với ngành này. Kết quả là WB đang cho thấy đường lối tiếp tục mạo hiểm và đối diện với thách thức liên quan đến phát triển thuỷ điện.
Thách thức lớn nhất là nguồn quỹ hạn chế. Khu vực đầu tư tư nhân đang trầm lắng, đặc biệt là cho giai đoạn chuẩn bị của dự án. Đó chính là lý do tại sao WB tin rằng họ phải đóng vai trò chính trong vấn đề tài chính bằng việc đầu tư trực tiếp vào những dự án có chất lượng cao.
Tuy vậy, một số tổ chức bày tỏ lo lắng về định nghĩa “dự án chất lượng cao” của WB, và tự hỏi liệu thuỷ điện có khiến WB giảm nguồn hỗ trợ cho năng lượng tái tạo?
Nguồn quỹ của WB cho các dự án thuỷ điện vay đã tăng từ 250 triệu USD trung bình một năm trong giai đoạn 2002-2004 lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2008. Dựa trên xu thế phát triển của nền công nghiệp, con số được dự đoán sẽ là 2 tỷ USD trong những năm tới. Trong khi đó, WB tài trợ cho năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối và các dự án thuỷ điện nhỏ chỉ là 476 triệu USD trong năm 2008.
Bast phê phán rằng cách tiếp cận hiện tại của WB với năng lượng trên mọi phương diện dường như chỉ để làm mới các chiến lược cũ với khẩu hiệu xanh. “Thuỷ điện bền vững” có thể là một thể nghiệm cho con đường quay lại với các dự án thuỷ điện quy mô lớn từng được ủng hộ vào những năm 1990. Bà cũng chỉ trích rằng các chiến lược đề xuất của WB trong lĩnh vực năng lượng tựa như các “dự án năng lượng bẩn”, bất chấp mối quan ngại không giấu diếm của họ về khí hậu.
Những nghi ngờ về cách tiếp cận
Do những mối quan ngại kể trên, thuỷ điện không được tán thành trong nhiều năm. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt các kế hoạch đầu tư cũng như sự trầm lắng trong hoạt động của các công ty trợ giúp và ý kiến của giới chuyên môn.
WB cũng cho biết, để tránh nguy cơ đối với môi trường và xã hội, một tiêu chuẩn phát triển đã qua thử nghiệm sẽ được áp dụng cho các dự án mới. WB cũng đề xuất các chính sách hài hòa giữa phát triển năng lượng và nguồn nước, hợp nhất các mối quan tâm môi trường và xã hội, đồng thời xây dựng một cách tiếp cận đảm bảo ba yếu tố được cân nhắc là xã hội, môi trường và kinh tế. Tuy nhiên Bast lại tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của cách tiếp cận dựa trên ba yếu tố trên đối với các dự án thuỷ điện lớn.
Rất nhiều các tổ chức phi chính phủ tiếp tục quan tâm đến hậu quả về môi trường và di dân ở các đập nước và những dự án thuỷ điện lớn. Philip Fearnside, trong cuốn sách “Chiến lược Giảm nhẹ và Thích nghi với Thay Đổi Toàn Cầu” đã viết: Con đập xây dựng năm 1980, Curuá-Una ở Brazil, đã thải ra môi trường lượng khí nhà kính gấp 3,6 lần lượng khí thải ra trong quá trình sản xuất điện năng tương đương từ dầu. Thực vật bị nhấn chìm trong các hồ chứa nước cũng phân huỷ và thải ra Metan khi nước chảy qua các tuabin.
WB cũng thừa nhận đây là một thách thức và có lẽ vấn đề còn nghiêm trọng hơn những gì chúng ta có thể nhận thức hiện nay. Trước mắt, lượng khí Metan sinh ra từ các hồ chứa nước cần phải được nghiên cứu đồng thời đưa vào các đánh giá dự án và kế hoạch quản lý môi trường.
Đâu là công bằng xã hội?
Đập Tam Điệp ở Trung Quốc, dự án thuỷ điện lớn nhất thế giới, được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1919, khởi công xây dựng vào năm 1994 và tới năm 2011 khi hoạt động hết công suất, sẽ đạt công suất 22.500 MW điện năng với chi phí chỉ gần 30 tỷ USD.
Theo tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế (IR) : “Dự án đã lập kỷ lục về số lượng người phải di dời (hơn 1,2 triệu người), số lượng thành phố và thị trấn bị ngập chìm (13 thành phố, 140 thị trấn, 1350 ngôi làng) và độ dài của hồ chứa nước (hơn 600 km).” Công trình này có thể bù đắp cho việc đốt cháy 50 triệu tấn than, tuy nhiên các nhà phê bình đang đặt ra câu hỏi về cái giá mà môi trường và xã hội sẽ phải trả?
Uỷ Ban về Quyền Con Người của Liên hiệp quốc cũng rất quan tâm đến các dự án đập. Báo cáo tháng 5/2009 của Ủy ban đã chỉ trích việc xây dựng đập Changguinola Aes cho dự án thuỷ điện Chan 75 ở Bocas del Toro, Panama. Ủy ban đã cáo buộc công ty chủ đầu tư và chính phủ đã xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền của người bản xứ da đỏ Ngobe. Và tháng 6/2009, Uỷ Ban Nhân quyền Mỹ Châu đã chấp thuận yêu cầu của người Ngobe về việc đình chỉ xây dựng.
Không phải tất cả các con đập đều có hại. Các tổ chức như Những Người bạn Trái đất tại Anh đã hỗ trợ các dự án thuỷ điện quy mô nhỏ của cộng đồng, có thể kể đến Torrs New Mills tại Derbyshire. Những Người bạn Trái đất tại Malaysia, Tổ chức Green Empowerment và Dự án Borneo cũng giúp cộng đồng Long Lawen tại Sarawak Malaysia phát triển một hệ thống cung cấp nước nhỏ sau khi họ phải di dời do công trình đập đầy tranh cãi Bakun.
Hiện nay WB đang cộng tác với các thành viên của Diễn Đàn Đánh giá Tính Bền vững Thuỷ Điện (HSAF), một diễn đàn đang nỗ lực thiết lập lập công cụ đánh giá tính bền vững được chấp nhận rộng rãi dựa trên tiêu chuẩn đánh giá của Liên hiệp Thuỷ Điện Quốc Tế (IHA) đưa ra năm 2006.
Song các tổ chức như IR phê phán HSAF vì bản thân nó đã là một tổ chức tự chọn lọc và những người bị ảnh hưởng bởi đập nước không hề được tham gia.
Trong khi đó báo cáo của WB sẽ được chuyển sang Uỷ Ban Thế Giới Về Đập (WCD), một tổ chức mà WB hỗ trợ thành lập, song lại không tuân theo những nguyên tắc chỉ đạo của WCD về tính công bằng, sự hiệu quả, về việc tham gia ra quyết định, tính bền vững và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, WB cũng thừa nhận rằng nhiều tổ chức phi chính phủ muốn họ làm thế.
Sở dĩ như vậy, bởi IR và các tổ chức khác cho rằng nguyên tắc chỉ đạo của WCD khá toàn diện, được thiết lập với quá trình tham gia của nhiều người và được mệnh danh là “Nguyên tắc chỉ đạo quốc tế tốt nhất trong lĩnh vực nước và năng lượng.”
Theo Peter Bosshard, giám đốc chính sách của IR: “WCD đã có những đề xuất tiến gần hơn đến sự cân bằng giữa lợi ích xã hội và môi trường, các dự án được tuyển chọn thông qua những đánh giá hài hòa tất cả các lợi ích và người dân bị ảnh hưởng đã có quyền tham gia trong quá trình triển khai dự án.”
Bosshard cũng tỏ ra nghi nhờ cách tiếp cận của WB. Ông không tin việc WB có thể hành xử như một nhà tư vấn công bằng trong các dự án về đập, và cho rằng họ thường chỉ khuyến khích các dự án và vận động hành lang cấp phép môi trường cho các dự án ở khu vực dễ bị tổn thương như Amazon để thực hiện dự án đến cùng.
Dự án Nam Theun 2 ở Lào là một ví dụ. Chắc chắn là những thoả thuận hợp pháp và những cam kết về môi trường, xã hội đã bị xâm phạm. Người dân bị di dời do công trình đã nhận được những ngôi nhà tốt hơn, nhưng 120.000 con người bị ảnh hưởng bởi dự án này đang không biết làm gì để có thể nuôi sống gia đình.
Tương tự như vậy, trong dự án đập nước ở Unganda, WB đã coi việc di dời chỉ là vấn đề đền bù và không đảm bảo sinh kế lâu dài cho những người bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các tỉnh vùng duyên hải Pakistan vẫn trông chờ bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi dự án thoát nước của WB, một dự án vốn đã phớt lờ tất cả những lời cảnh báo.
Người Tonga ở Zamba vẫn nghèo túng sau 50 năm bị buộc di dời do đập Kariba được xây dựng. Nông dân Guatemala vẫn đang trên đường tìm kiếm công lý cho cái chết của hàng trăm người do đập Chixoy gây nên.
Thủy điện Trung Sơn (250MW) là dự án đầu tiên của WB đầu tư vào lĩnh vực phát triển thủy điện tại Việt Nam. Đây là công trình đa mục tiêu, kết hợp cung cấp điện và kiểm soát lũ, được xây dựng trên sông Mã, đoạn qua xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu vận hành từ năm 2014.
Theo dự kiến ban đầu, công trình hồ chứa của thủy điện có diện tích 1300 ha, dung tích 150 triệu m3, diện tích ngập nước chủ yếu là đất rừng. Sẽ có 381 hộ dân với 1900 nhân khẩu, phần lớn là người Thái sinh sống lâu đời, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xây dựng công trình.
Tài liệu dự án của WB cho biết sở dĩ họ lựa chọn Trung Sơn vì đây là công trình có nhiều ưu điểm hơn cả trong số các dự án đã được đề xuất trong Nghiên cứu Quy hoạch phát triển thủy điện của Việt Nam (2005), đã được cân nhắc các yếu tố về chi phí và lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Ngân, cán bộ truyền thông của WB cho biết, trong dự án này, WB rất chú trọng vấn đề tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân. Các hoạt động đánh giá tác động môi trường của dự án đã được tiến hành. Bản báo cáo đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được WB công bố trong thời gian tới. |