ThienNhien.Net – Hát Xoan là một loại dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời của tỉnh Phú Thọ, nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là Hát cửa đình. Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 10 đến 15 người. Y phục dân tộc hệt quan họ Bắc Ninh. Nam thì áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.
Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách).
Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau; như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, giao duyên. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh. Ví dụ: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá,v.v…
Trước đây, Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó 4 phường Xoan được gọi theo tên làng là: An Thái, Phù Đức, Kim Đơi và Thét. Phường Xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Xoan là tiếng hát làng chạ dâng thần linh cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho làng chạ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Xưa kia hát Xoan được người dân rất yêu chuộng. Nhưng hiện nay, hát Xoan đang đứng trước nỗi lo thất truyền.Trước nguy cơ bị mai một, di sản văn hóa hát Xoan cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc để cho thế hệ mai sau được hưởng một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha.