ThienNhien.Net – Theo điều tra của TRAFFIC (Mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu) và Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc buôn bán động vật hoang dã mang lại lợi nhuận cao thứ ba (sau buôn bán ma túy và buôn bán vũ khí) do vậy đã làm gia tăng hoạt động bất hợp pháp này.
Cũng theo TRAFFIC, nếu thực trạng đó vẫn tiếp tục duy trì thì nguy cơ tuyệt chủng của một số loài động, thực vật quý hiếm là rất đáng báo động.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết, để có được lợi nhuận cao trong buôn bán động, thực vật hoang dã thì chỉ có buôn lậu và gian lận. Buôn lậu qua các đường vận chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch; qua cửa khẩu nhưng giấu trong hành lý, container, các kiện hàng qua đường bưu điện; thay đổi hình dạng, mẫu vật, khai báo sai, hối lộ cán bộ chức năng…
Gian lận cũng có nhiều cách như khai báo nguồn gốc mẫu vật không đúng; khai mẫu vật sử dụng cho mục đích khoa học nhưng thực chất là thương mại; mẫu vật được khai báo là tiền công ước; khai báo mẫu vật là gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo; sử dụng giấy phép giả, giấy phép bị sửa chữa, thay đổi một số thông tin.
Mặc dù các cơ quan chức năng về quản lý động vật hoang dã quý hiếm đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn buôn bán, săn bắt, vận chuyển… trái phép động, thực vật và các bộ phận quý của động, thực vật hoang dã vẫn rất nhiều.
Điển hình là vụ phát hiện 24 tấn tê tê đông lạnh và 920kg vảy tê tê tạm nhập từ Indonesia để tái xuất đi Trung Quốc (27/02/2008). Một hành khách Việt Nam bị bắt khi quá cảnh qua Thái Lan với tang vật là 5 sừng tê giác (16,7kg) vào tháng 04/2008.
Ngoài việc buôn bán, săn bắt, vận chuyển động, thực vật hoang dã quý hiếm bất hợp pháp thì việc gây nuôi bất hợp pháp động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cũng là vấn đề phải có chiến lược giải quyết tận gốc.
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện 4 trại nuôi hổ tại Bình Dương, 2 trại nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp tại Thanh Hóa và Thái Nguyên. Ngoài ra có trên 100 con gấu nuôi nhốt không có chip điện tử và hồ sơ quản lý.
Mục đích của việc buôn bán thì có nhiều: làm món ăn đặc sản; bào chế thuốc y học cổ truyền; làm các mặt hàng xa xỉ, đồ trang trí và chiến lợi phẩm săn bắn; làm vật liệu xây dựng và đồ nội thất (gỗ); vật nuôi cảnh; sưu tập cho các vườn thú…
Theo báo cáo thăm dò của TRAFFIC tại Hà Nội, gần 50% người dân sống ở Thủ đô đã từng sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã, 45% trong số đó sử dụng 3 lần trong một năm.
Trong số các loại sản phẩm động vật hoang dã được tiêu thụ, món đặc sản chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đó là các sản phẩm tăng cường sức khỏe như mật gấu và cao hổ cốt; nam giới sử dụng thường xuyên hơn nữ giới; những người có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã nhiều hơn so với nhóm có thu nhập và học vấn thấp hơn.
Việc sử dụng đặc sản từ động vật hoang dã là biểu trưng của địa vị và trở thành ”mốt” ăn chơi (đặc biệt đối với doanh nhân và công chức nhà nước). Phần lớn người dân Hà Nội không hiểu biết các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp và môi trường sống của chúng.
TRAFFIC cũng đã đưa ra những phát hiện nhanh về những ứng dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền Việt Nam; trong đó có 3.900 loài thực vật và 400 loài động vật được sử dụng làm thuốc.
Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 1.500 loại thuốc y học cổ truyền với 95% các vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Hầu hết các loài động thực vật dùng trong y học cổ truyền có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu thuốc y học cổ truyền tăng lên ảnh hưởng đến việc bảo tồn động và thực vật. Bằng chứng là có nhiều loại động, thực vật trở nên hiếm, trong đó có nhiều loài quý hiếm phải bảo tồn.
Nhưng qua khảo sát cũng cho thấy nhiều loài động vật thuộc diện bảo tồn (hổ, gấu, tê giác) vẫn có thể mua được trên thị trường. Buôn bán quốc tế thuốc y học cổ truyền có tỷ trọng lớn và khung pháp lý cho hoạt động buôn bán thuốc y học cổ truyền còn phức tạp lại do nhiều bộ, ngành chịu trách nhiệm, trong khi luật pháp hiện hành về y học cổ truyền tại chưa đủ mạnh để điều chỉnh một cách hiệu quả.
Vì vậy, việc cấp bách nhất hiện nay là Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học; nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan thực thi Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) của Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán vận chuyển động thực vật hoang dã quý hiếm trong tình hình mới.