ThienNhien.Net – Cách đây hơn 6 năm, tháng 04/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" với mục tiêu là năm 2007 phải hoàn thành việc xử lý này. Trong đó, đến năm 2007, tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tổng số 4.295 cơ sở gây ô nhiễm đã được rà soát thống kê đến năm 2002.
Theo đánh giá của Thủ tướng cũng như các Bộ, ngành chuyên môn lúc bấy giờ thì việc tập trung hoàn thành giai đoạn 1 này sẽ tạo tiền đề cho giai đoạn 2 với mục tiêu “xử lý triệt để” số lượng gần 4.000 cơ sở gây ô nhiễm còn lại tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Di dời tiến độ…rùa!
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi nội thành, đến thời điểm này, cả nước mới có 8 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức 100%, 6 địa phương đã hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức trên 75%, 21 địa phương hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức 50-75%, 19 địa phương đạt mức dưới 50% và 9 địa phương (chủ yếu là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tập trung công nghiệp lớn) mới đạt mức dưới 25%.
Như vậy, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong kế hoạch phải di dời, mới có 87 cơ sở (chiếm 19,82%) đã được cấp chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, 27 cơ sở đã giải thể hoặc phá sản, 106 cơ sở đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được cấp quyết định chứng nhận hoàn thành, 198 cơ sở đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, còn 21 cơ sở sản xuất chưa chịu triển khai.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương chiếm nhiều nhất về số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng quá trình xử lý lại gặp nhiều khó khăn và đạt kết quả thấp. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành xử lý được 17/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó 11 cơ sở có giấy chứng nhận. TP. Hồ Chí Minh mới hoàn thành 28/37 cơ sở, trong đó mới có 7 cơ sở được cấp chứng nhận. Việc triển khai chậm ở 2 thành phố lớn này là do phần lớn các cơ sở phải di dời địa điểm đều khó khăn, vướng mắc về thủ tục giao, cho thuê và xây dựng cơ sở hạ tầng tại vị trí di dời mới, giá đất cao nên khó khăn trong chi phí đền bù, cơ chế hỗ trợ đền bù đối với vị trí đất cũ. Nhiều cơ sở hình thành từ thời bao cấp để lại, có công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm nặng trong khi năng lực tài chính hạn chế nên việc thanh lý, chuyển đổi dây chuyền mới là thách thức lớn.
Thành phố Hà Nội mới có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đề xuất di dời 422 cơ sở công nghiệp có tổng diện tích sử dụng đất là 887,7ha, được thành phố cho là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về không khí, nước thải, chất thải, tiếng ồn… trong đó, 209 cơ sở nằm trong các quận nội thành và thị xã Sơn Tây (chiếm 228,7ha) và 213 cơ sở nằm trong các thị trấn, khu dân cư nông thôn (chiếm 659ha).
Ba hình thức di dời được lãnh đạo thành phố đề xuất với Thủ tướng gồm:
Thứ nhất, các đơn vị di dời trả lại đất và di dời đến khu công nghiệp, khu chế xuất (áp dụng cả trường hợp đất của đơn vị di dời được qui hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc). Thứ hai, đơn vị di dời tự làm chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển mục đích sử dụng đất theo qui hoạch.Thứ ba, đơn vị di dời được phép liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới (gọi tắt là pháp nhân liên doanh) làm chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển mục đích sử dụng đất theo qui hoạch.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, các cơ sở gây ô nhiễm phải hoàn thành việc di dời ra ngoại thành muộn nhất là vào năm 2015. Tuy nhiên, thành phố yêu cầu, trong thời gian chưa di dời, các đơn vị sử dụng đất làm các cơ sở công nghiệp phải có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường.
Cần quyết liệt di dời bằng hành động
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng… chậm trễ trong di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này? Câu trả lời là có rất nhiều lý do được các doanh nghiệp (DN), địa phương, Bộ, ngành biện minh và đổ lỗi. Đối với các địa phương, nguyên nhân để biện minh là cùng với khó khăn của DN; địa phương gặp khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng… Lên đến cấp cơ quan quản lý thì cùng với khó khăn của DN, địa phương, Bộ, ngành gặp khó khăn về cơ chế, sự phối hợp và quy hoạch giữa các ngành và địa phương…Ví dụ như với bãi rác Kiêu Kỵ (Hà Nội) theo mục tiêu là phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước rác vào năm 2006; thế nhưng đến tận bây giờ, một số hạng mục vẫn… chưa thẩm định. Hay như với Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Đống Đa (đều của Hà Nội), mục tiêu là đến 2006 phải xây xong trạm xử lý nước thải; song đến nay dự án… vẫn chưa triển khai… Tương tự, TP. Hồ Chí Minh cũng vẫn bề bộn với lý do là hầu hết DN trên địa bàn là do các Bộ, ngành Trung ương quản lý và quy mô lớn; việc di dời khó khăn và phụ thuộc chủ yếu vào các đầu mối quản lý ngành dọc…
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì thấy: Ngân sách Nhà nước hiện không thiếu tiền, thậm chí Nhà nước còn hỗ trợ cho các cơ sở di dời. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sơ gây ô nhiễm đều là những mảnh “đất vàng”. Với việc đổi “đất vàng” lấy đất khu công nghiệp hay ngoại thành thì các cơ sở thậm chí còn thừa tiền để đầu tư và mở rộng hoạt động. Vậy là trong lúc nhiều khu công nghiệp, quỹ đất ngoại thành còn bỏ trống; thế nhưng các cơ sở này vẫn “bám trụ” trong nội thành. Đồng thời cần đặt câu hỏi là tại sao các dự án nhà đất, các dự án do tư nhân hay liên doanh thực hiện thì có thể triển khai rất nhanh, trong khi các dự án này lại luôn chậm chạp?
Từ thực tế này thì thấy rõ việc chậm trễ trong thực hiện chính là sự thiếu quyết liệt trong hành động mà chỉ mới là sự “quyết liệt” bằng hô hào!
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các Bộ sớm hoàn thiện trong tháng 7, tháng 8 các đề án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trình Thủ tướng trong tháng 8 đề án tổng thể xử lý chất thải y tế và xử lý ô nhiễm môi trường các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, làng nghề.
17 ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm phải di dời
Tại cuộc họp mới đây, về việc đẩy mạnh thực hiện quyết định trên tại hai TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc để 2 thành phố này chủ trì hoàn thiện Quy chế 17 ngành nghề sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nguy hại không cấp phép mới, buộc phải di dời ngay ra khỏi khu vực đô thị để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Theo Dự thảo quy chế, 17 ngành nghề sản xuất bao gồm: ngành hóa chất (sản xuất phân bón, pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm,..); ngành tái chế, mua bán chất phế thải; tẩy, nhuộm, hồ in trên sản phẩm dệt may; luyện cán cao su; thuộc da; xi mạ điện; gia công cơ khí; in, tráng bao bì kim loại; sản xuất bột giấy; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ thủy tinh; chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng); chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm, muối, dầu ăn; sản xuất bánh mứt, kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát; sản xuất thuốc lá; chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp; giết mổ gia súc và chế biến than. |