Bia tiến sĩ trên đường “chinh phục” UNESCO

ThienNhien.Net – Với niên đại khoảng 300 năm, những tấm bia đá ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ của Việt Nam, hiện đang lưu giữ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật độc đáo. Hiện Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hà Nội đang tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO xem xét vinh danh là di sản tư liệu thế giới.


Những giá trị lịch sử – văn hóa tiêu biểu

Văn Miếu – Quốc Tử Giám – khu di tích lịch sử, văn hoá đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô, là biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt. Văn Miếu – Quốc Tử Giám (miếu thờ Khổng Tử và là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam) được thành lập từ cuối thế kỷ XI. Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo được hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiền tài của dân tộc ta.
Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, là một trong những trung tâm hoạt động văn hoá khoa học lớn của Thủ đô.

Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng, những tấm bia tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay là nhắc nhở về chính sách trọng dụng hiền tài. “Trong tình hình hiện nay, 82 bia đá này càng được toàn dân trân trọng và tôn vinh. Đất nước ta đang tiến mạnh trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu. Văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp chung của đất nước. Những bài văn bia tại Văn Miếu sẽ mãi mãi là bài học quí giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay và mai sau”- Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh.

Hoàn thiện hồ sơ với tinh thần khẩn trương, thận trọng

Dự thảo hồ sơ “Bia đá các khoa thi tiến sĩ (1442-1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, đăng ký là di sản tư liệu, chương trình “Ký ức thế giới” khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Nội tích cực chuẩn bị từ nhiều tháng nay.

TS Sử học Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá – Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết: “Chúng tôi đã căn cứ vào tiêu chí của Ban Điều phối của chương trình, bám sát các tiêu chí để xây dựng nội dung hồ sơ. Trong đó, chú ý những tiêu chí về tính xác thực, tính độc đáo, tính duy nhất và tính con người để đưa vào nội dung của hồ sơ”.

Sáng 08/08, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng hồ sơ này. Các nhà khoa học đã góp ý để bộ hồ sơ nêu bật và làm rõ những tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, đặc biệt nhấn mạnh về giá trị tư liệu, tính quốc tế và tính con người của di sản.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các khoa thi tiến sĩ là khoa thi cao cấp nhất trong hệ thống thi cử theo Nho học phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, chỉ ở Việt Nam mới có việc dựng bia đá để vinh danh những người đỗ đạt. Đây là cách thức đặc biệt thông minh để biểu dương người hiền tài và khuyến khích nhân dân học tập; khuyên răn những người đã thành đạt giữ mình trong sạch, tránh làm điều xấu, có hại cho dân, cho nước. Đây là điều chúng ta đặc biệt nên nhấn mạnh trong hồ sơ.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng: “Bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đáp ứng đủ 5 tiêu chí của UNESCO, nhưng trong hồ sơ cần làm rõ những tiêu chí nổi bật nhất như: tính giao lưu quốc tế văn hoá; tính tư liệu về giáo dục, nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, văn hoá; tư liệu về hình thức tôn vinh danh nhân độc đáo…”.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh – Viện trưởng Viện Hán Nôm lưu ý, hồ sơ nên nhấn mạnh về lịch sử ra đời và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám; hệ thống thi cử Nho học Việt Nam thời phong kiến và sự ra đời của hệ thống bia Văn Miếu- Quốc Tử Giám…

Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Trung tâm Văn hoá – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp thu để hoàn chỉnh hồ sơ. Dự kiến Hồ sơ về bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ được gửi đến UNESCO trước tháng 9 năm nay. Tháng 03/2010, UNESCO sẽ tuyên bố kết quả.
Nếu những tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám trở thành tư liệu “Ký ức Thế giới” thì đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

82 tấm bia tiến sĩ hiện đặt trong Khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hoá vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Giá trị đó thể hiện ở những điểm tiêu biểu sau:

Thứ nhất, đây là những tư liệu lịch sử xác thực, ghi lại kết quả các kỳ thi tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1779, thuộc thời Lê và Mạc, (từ thế kỷ
XV- thế kỷ XVIII). Mỗi tấm bia dựng cho một khoa thi. Những bài ký trên bia là nguồn sử liệu phong phú về một khoa thi. Toàn bộ 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu là nguồn sử liệu quí giá về lịch sử nền giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm.

Thứ hai, trên mỗi tấm bia đều có các bài văn thể hiện quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam. Những triết lý cơ bản về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hoá, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt câu văn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp” trên bia tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi năm 1442) được coi như một tư tưởng lớn về việc sử dụng nhân tài của đất nước.

Thứ ba, bia tiến sĩ là nguồn sử liệu quí giá giúp chúng ta nghiên cứu tiểu sử của hàng ngàn danh nhân Việt Nam như: Nguyễn Trãi – người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hoá thế giới, Lê Quí Đôn, Lương Thế Vinh.v.v.

Thứ tư, chữ viết trên bia bằng chữ Hán, có niên đại rất cụ thể, ghi lại thư pháp của các thời. Đây có thể nói là tiêu chí nhận diện tiến trình phát triển thư pháp Việt Nam bằng chữ Hán qua các thời kỳ.

Thứ năm, về giá trị nghệ thuật, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo do các nghệ nhân, nghệ sĩ hàng đầu tạo tác, với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Đế bia được tạc hình rùa. Rùa là một trong tứ linh, sống lâu, nên được chọn làm biểu tượng cho sự trường tồn, bền vững. Đặt bia trên lưng rùa là ngụ ý kính trọng hiền tài.