ThienNhien.Net – Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc trong sản xuất rau xanh, nhất là rau muống nước đang trở nên phổ biến tại các khu vực chuyên trồng rau ở Thành phố Hồ Chí Minh như quận Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn. Thuốc được nhiều người dân trồng rau sử dụng nhiều nhất là loại dùng cho xanh lá, đứng gốc và tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy, khi người tiêu dùng mua rau chọn những loại xanh, non… lại có nguy cơ bị nhiễm độc cao. Tuy nhiên, vấn đề quản lý việc sử dụng thuốc trồng rau của người dân hiện đang là “bài toán khó giải” của các cơ quan chức năng.
Nghề trồng rau muống
Đa số người dân trồng rau muống tại khu vực quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn đều là dân nhập cư đến từ các tỉnh như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tây (cũ). Trước khi đến với nghề này, nhiều người đã làm đủ nghề, từ công nhân, phụ hồ, ve chai nhưng cuộc sống vẫn chật vật và dược sự giới thiệu của người quen, họ đã lập nghiệp từ nghề trồng rau muống.
Anh Nguyễn Văn Toản, quê ở Bắc Giang – người có kinh nghiệm trồng rau muống ở khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 cho biết, vào trong này được hơn 10 năm, trước kia làm công nhân nhưng thu nhập thấp không đủ để gửi về cho vợ con. Nghe mọi người nói trồng rau muống thu nhập cao nên tôi về quê vay tiền và đưa vợ con vào thuê đất trồng rau muống. Tuy có hơi vất vả nhưng được gần vợ, gần con, thu nhập cũng ổn định.
Gần 7 năm lập nghiệp từ nghề trồng rau muống đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn nhiều. Từ 4.000m2 ban đầu, anh chị đã thuê thêm 3.000m2. Trung bình một đêm, 2 vợ chồng cắt rau đem bỏ mối tại các khu công nghiệp và các chợ thu được 1,6 triệu đồng; trừ chi phí, anh chị còn lãi 600.000 đồng, anh Toản tâm sự.
Anh Toản cho biết, để có được thu nhập như vậy, cả gia đình anh phải thức trắng đêm để làm. Công việc của người trồng rau khá vất vả, ban ngày chăm sóc cho rau khỏi bị sâu bệnh, đến đêm cắt rau mang ra chợ bán.
Chị Nga, quê ở Ninh Bình tâm sự: “Khi mọi người chìm vào giấc ngủ, những người làm rau như chúng tôi lại còng lưng cắt từng bó rau để đem ra các chợ đầu mối ở khu vực Thủ Đức, Bình Dương, Hóc Môn…”. Nhưng đó là những người đã có mối quen, còn những người không có mối quen, thì phải dùng xe kéo ra các chợ bán, nhưng thường là bán tại các khu vực bị cấm. Nhiều khi bị công an phường, trật tự đô thị đuổi, bị bắt cả xe lẫn rau.
Trung bình một gia đình có diện tích trồng rau 7.000m2, sau khi trừ tất cả chi phí sinh hoạt, mỗi tháng còn tiết kiệm được 4 – 5 triệu đồng.
Hơn 10 loại thuốc cho một lần thu hoạch
Nghề trồng rau muống đem lại lợi nhuận khá cao nên được nhiều người đổ xô làm. Những người trồng rau muống tìm đủ mọi cách để “tạo” ra những bó rau xanh, tốt, nhìn bắt mắt với thời gian ngắn nhất cung cấp ra thị trường. Vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc kích thích là điều không thể tránh khỏi.
Tại các khu vực trồng rau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một cây rau muống nước trước khi đem ra chợ đã được người trồng rau phun xịt vào đó hơn 10 loại thuốc như trị sâu, nấm bệnh, rầy cho đến các loại thuốc tăng trưởng. Nhiều loại thuốc trị sâu bệnh mà người trồng rau muống nước sử dụng đều có thời gian cách ly trước khi thu hoạch là 14 ngày, hoặc thuốc kích thích sinh trưởng trong thời gian 5 – 7 ngày.
Nhưng trên thực tế người trồng rau thường cắt rau sớm hơn thời gian quy định. Thậm chí, loại thuốc làm cho trắng cây, mướt lá được họ tạt buổi sáng thì đến đêm đã cắt để bán.
Anh Toản cho biết, hiện nay, thời tiết thay đổi, các loại sâu bệnh xuất hiện không theo chu kỳ như trước nên chúng tôi phải dùng mọi biện pháp để trừ sâu bệnh. Nhiều khi loại này dùng không trị hết bệnh thì chuyển sang loại khác và cũng có thể tăng liều lượng sử dụng thuốc. Chính vì vậy, việc một cây rau muống phải phun hơn 10 loại thuốc khác nhau là chuyện bình thường.
“Những bệnh thường gặp nhất ở rau muống là bệnh nổi lá sung và bệnh bá trà. Những loại bệnh này có lứa xịt hết có lứa không. Thường tâm lý của người trồng rau khi xịt loại thuốc này thấy không hết lại dùng loại thuốc khác, vì vậy dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc trên rau như sâu bệnh không hết, tốn thêm khoản tiền mua thuốc mà người tiêu dùng đứng trước nguy cơ nhiễm độc cao”, anh Toản kể.
Theo đại diện của Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng sâu bệnh kháng thuốc là rất hiếm, mà do người dân không nhận biết được loại sâu, hoặc tạt thuốc khi sâu đã quá lớn, thuốc khó có tác dụng.
Bên cạnh đó, thời gian cách ly không đủ, như vậy sẽ nguy hiểm cho người ăn. Có thể không bị ngộ độc ngay lập tức, nhưng ăn nhiều và thời gian kéo dài rất dễ bị tích tụ chất độc trong cơ thể. Ngay cả thuốc tăng trưởng, nếu ăn lượng lớn sẽ có hại cho cơ thể.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch phường Thạnh Xuân, quận 12 cho biết, dù phường thường xuyên kiểm tra, nhưng rất khó phát hiện người dân dùng thuốc quá liều hoặc dùng nhiều loại thuốc cho rau muống.
Đa số, các loại thuốc lại không phải thuốc cấm, mà đều có nhãn mác đầy đủ. Một năm phường tổ chức phổ biến kiến thức trồng rau sạch cho người trồng rau 4 lần, nhưng rất ít người đến tham dự.