Thú rừng ơi!

ThienNhien.Net – Hãy cho tôi biết bạn nghĩ gì khi nhìn những hình ảnh dưới đây! Còn tôi, tôi sẽ cho bạn biết ngay bây giờ, rằng khi chụp những bức ảnh này, tôi nghĩ rằng không thể có chuyện con người chung sống hài hòa với tự nhiên, “chẳng qua đó chỉ là lý tưởng”.

 

Khó có thể ngờ rằng chỉ với một khoảnh nhỏ nằm lọt trong Vườn quốc gia Tam Đảo, cái thị trấn du lịch bé xíu này đã làm khuynh đảo cả một hệ động thực vật phong phú đa dạng nổi tiếng của miền Bắc. Từ nhà hàng sang trọng tới quán kem, quầy tạp hoá ven đường đều “có hàng” ngay lập tức nếu bạn muốn mua.

Hàng ở đây không phải là ngọn su su đặc sản của thị trấn Tam Đảo, mà là gà rừng, bìm bịp, nhím, cầy, dũi…. – thứ đặc sản lôi ra từ rừng.

 

Chẳng khó khăn gì, chỉ cần sắm vai một thực khách, bạn có thể vào tận bếp mà “thoả mắt” xem thịt thú rừng. Thú rừng được cắt tiết ngay trước mắt, nếu thực khách yêu cầu. Cầy, cáo, cheo, hoẵng, nai, lợn rừng đều có.

Cũng có kẻ tiết lộ, động vật thịt sẵn, cắt bỏ phần đầu đi thì dễ bề vận chuyển hơn, tránh bị thu giữ. Cứ nói thác con mèo, con chó của nhà, ai biết đấy là đâu, vì chẳng có gì để nhận diện với lại đối chiếu.

 

 

Nhiều loài rùa đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam, như chú rùa đất spengle này, được nhốt trong những chiếc giỏ xinh xinh như giỏ… cua và bày bán vô tư giữa thanh thiên bạch nhật. Khi có đợt kiểm tra ráo riết thì tạm lắng đi đôi chút, rồi đâu lại vào đấy.

 

Trong khi những người Hà Nội “cổ kính” vẫn còn âm ỉ niềm tự hào đã từng có một loài chim tiến vua thường bay về Hồ Tây vào mùa di trú, còn hoài tiếc một bóng dáng “bầy sâm cầm nhỏ đón ánh mặt trời” thì ở Phú Thọ, quán ăn rặt những sâm cầm, nhưng là “sâm cầm ngâm rượu”.

 

Những kẻ hưởng thụ sành điệu cũng có mánh của họ để khỏi bị lừa, rằng nếu đúng là sâm cầm thì ngón chân phải có màng hình tròn như đồng xu. Tôi đoán rằng những người yêu mến loài sâm cầm kia ở Hà Nội cũng chẳng thể nào biết điều ấy.

 

Còn đây là hình ảnh chụp ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đầu và sừng của “bò rừng xịn” (như lời rao bán) được con buôn dong khắp phố. Chẳng biết có “xịn” hay không nhưng rõ ràng hành động rao bán phi pháp đã chẳng gặp hề hấn gì. Tôi băn khoăn không hiểu những du khách quốc tế khi nhìn thấy, họ sẽ nghĩ gì về pháp luật Việt Nam?

Sau, tôi gặp lại thứ của quý này, nhưng là tại một khách sạn ở cái thị xã nhỏ bé Gia Nghĩa của tỉnh Đắc Nông. 

 

Voi thì bị cưa ngà, cắt đuôi/lông đuôi đem bán ngay trên xứ sở Tây Nguyên oai hùng của chúng. (chụp tại huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc)



Quan niệm ấu trĩ về sự may mắn khi sở hữu một đoạn lông đuôi voi của kẻ nào đó rêu rao đã khiến đàn voi nhà của các huyện nuôi voi ở Tây Nguyên trụi hết lông đuôi. Hình ảnh như thế này không phải hiếm gặp, ngay cả ở buôn Đôn – làng voi nổi tiếng nhất Việt Nam. 

 

Ngà voi giả cũng được bày bán nhan nhản ngay tại thủ phủ voi.

 

Tôi lại nhớ đến voi Y Trút, con voi oai dũng, có trọng lượng nặng nhất Tây Nguyên. Voi Y Trút đã chết thảm thương vì ăn phải lúa, cỏ có phun thuốc trừ sâu, cũng bởi bàn tay con người. Trong ảnh là gia chủ, anh Đàn Năng Long, làm lễ chôn voi tại huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc hồi năm ngoái.

 

Nanh lợn rừng được bày bán nhiều đến hàng… thúng, phục vụ khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

 

 

 

Ở những hình ảnh cuối này, tôi xin nhường lại lời bình cho các bạn. Cùng là loài linh trưởng cả, nhưng chúng bị/được nhìn nhận, đối xử khác nhau, trong cuộc sống đời thường và dưới bàn tay cứu hộ của những nhà bảo tồn động vật.