ThienNhien.Net – Các nhà nghiên cứu trường Đại học Los Angeles bang California (Mỹ) vừa cho biết đã phát hiện bệnh cúm là nguyên nhân làm cho người bệnh dễ mắc phải chứng viêm phổi có nguy cơ gây tử vong cao.
Nghiên cứu cho rằng những ca tử vong do cúm không phải bắt nguồn từ bản thân virus cúm, mà thường xảy ra sau khi bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do lây nhiễm thứ phát những vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, còn được gọi là khuẩn tụ cầu vàng hay Klebsiella pneumoniae.
Nhóm các nhà khoa học hy vọng khám phá này sẽ mở đường cho những nghiên cứu về các phương thức có thể phát triển để ngăn chặn nhiễm bệnh viêm phổi sau khi nhiễm cúm, từ đó có thể nâng cao khả năng phòng bệnh do virus của hệ miễn dịch.
Hiện nay người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân vì sao bệnh cúm khiến con người dễ nhiễm khuẩn thứ phát với virus gây bệnh viêm phổi.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên chuột và quan sát những phân tử tín hiệu gọi là interferon (IFN loại 1). Các interferon thường được hệ miễn dịch sản sinh ra để hạn chế virus sinh sôi và kiểm soát lây nhiễm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những interferon này làm các bệnh nhân cúm nhạy cảm hơn với bệnh viêm phổi do virus, bởi nó làm suy yếu khả năng cơ thể đạt tới mức miễn dịch tương xứng đối với loại virus trên.
Giáo sư Richard Barry, chuyên ngành miễn dịch và vi sinh vật học thuộc Đại học Newcastle, cho biết, sự trái ngược là các interferon vừa làm suy giảm một số loại gien kích thích vi khuẩn tăng trưởng và bám chặt, đồng thời cũng vô hiệu hóa những gien kích thích sự phát triển của các bạch cầu trung tính, vốn là những tế bào miễn dịch trung tâm phản ứng với miễn dịch kháng khuẩn ban đầu.
Theo ông, khi một người bị nhiễm cúm và nặng tới mức dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát, những gien cần để kích thích sản sinh ra bạch cầu trung tính bị ức chế. Virus và interferon đã làm suy giảm khả năng sản sinh bạch cầu trung tính của cơ thể.
Một nghiên cứu gần đây cho biết hầu hết trong số 50 – 100 triệu ca tử vong trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, có thể là do “siêu nhiễm” thứ phát gây ra bởi virus Streptococcus pneumoniae.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, nhân loại đã sản xuất được các loại kháng sinh có thể bảo vệ con người, mà thế kỷ trước chưa có. Tuy nhiên, Giáo sư Barry cũng cho rằng hiện tượng kháng thuốc có thể khiến việc kiểm soát đại dịch cúm cực kỳ khó khăn.