ThienNhien.Net – Ngày 11/08, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ người thiếu đói, chủ yếu do chính sách kinh tế sai lầm của các chính phủ, chiến tranh và bạo lực, do thiên tai. Tuy nhiên cỏ dại là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên đói kém mà ít được chú ý, vì nó "lẳng lặng" phá hoại mùa màng năm này sang năm khác.
FAO cho biết, căn cứ trên nhiều số liệu thống kê, cỏ dại có thể coi là kẻ thù lớn nhất của người nông dân. Kết quả nghiên cứu của tổ chức môi trường “Land Care of New Zealand” cho thấy cỏ dại gây thiệt hại tới 95 tỷ USD mỗi năm cho sản xuất lương thực trên toàn cầu, so với mức 85 tỷ USD do dịch bệnh, 46 tỷ USD do sâu bọ phá hoại và 2,4 tỷ USD do động vật, không kể con người, phá hoại.
Theo thời giá hiện nay, 95 tỷ USD tương đương với 380 triệu tấn lúa mỳ, tức là hơn một nửa sản lượng lúa mỳ của toàn thế giới. Trong số 95 tỷ USD nói trên, khoảng 70 tỷ USD bị thiệt hại ở các nước nghèo.
Ông Ricardo Labrada Romero, chuyên gia về cỏ dại của FAO cho biết thiệt hại mà cỏ dại gây ra cho nông nghiệp là rất to lớn. Ví dụ rễ của loài cỏ Broomrape có thể tiêu diệt đậu và rau xanh, không chỉ làm thất thu vụ thu hoạch đó, mà còn làm cho đất mất khả năng canh tác trong nhiều năm. Hơn một nửa thời gian lao động trên cánh đồng của người nông dân là để tiêu diệt cỏ dại.
Muốn tăng năng suất nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải kiểm soát được cỏ dại. Cỏ dại đang là nguyên nhân số một làm giảm năng suất và sản lượng nông nghiệp ở châu Phi. Những hộ nông dân sản xuất nhỏ ở châu Phi phải diệt cỏ hàng ngày và vì thế mỗi gia đình thường không thể canh tác nhiều hơn 1 – 1,5ha.
FAO cho biết hiện có nhiều biện pháp chống cỏ dại, tốt hơn nhiều so với sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay đổi cây trồng là một biện pháp hữu hiệu để diệt cỏ, vì cỏ thường thích nghi với một loại cây trồng nhất định, nên thay đổi hoa màu sẽ làm giảm khả năng phát triển của cỏ.
Sử dụng hạt giống có chất lượng cao cũng rất cần thiết, vì phần lớn hạt giống mà nông dân đang sử dụng hiện nay bị lẫn nhiều hạt cỏ, tạo điều kiện cho cỏ dại phát triển cùng với cây trồng. Cày ải đất là một biện pháp diệt cỏ không cần hóa chất, trong khi đồng thời tiêu diệt mầm bệnh và sâu bọ và làm tăng độ tơi xốp của đất. Việc sử dụng tấm vải nhựa phủ lên bề mặt đất trồng vào mùa nóng cũng giúp tiêu diệt cỏ dại. Đối với các loài cỏ sống ở dưới nước, FAO khuyến cáo sử dụng các biện pháp kiểm soát bằng sinh học.
FAO cho rằng mặc dù thuốc diệt cỏ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất nông nghiệp, nhưng diệt cỏ bằng các biện pháp không dùng hóa chất là rất cần thiết, vì nó thân thiện với môi trường và không gây hậu quả ngoài mong muốn.