Bảo vệ rừng ngập mặn chống lại nước biển dâng

ThienNhien.Net – Bảo tồn rừng ngập mặn trước đe doạ của biến đổi khí hậu có giá trị to lớn về nhiều mặt, vừa tạo ra sự bảo vệ ven biển chống lại nước biển dâng cao và tấn công của bão, vừa có thể làm giảm nhẹ hoặc tiêu tan các đợt sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế mực nước biển dâng.


Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão và triều cường gây thiệt hại lớn. Trước đây, nhờ có các dải rừng ngập mặn tự nhiên và những dải rừng được trồng ở các vùng cửa sông, ven biển nên đê điều ít khi bị vỡ. Nhưng gần đây do việc phá rừng tràn lan nên làm gia tăng nạn lở đất, lũ lụt, gây khó khăn cho cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển.

Để phục hồi những cánh rừng ngập mặn, từ năm 1994 đến nay Hội, Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức trồng khoảng 22.000 ha rừng ngập mặn. Mặc dù để trồng và bảo vệ được những cánh rừng ngập mặn này phải tiêu tốn tới 1,1 triệu USD, nhưng lại tiết kiệm được 7,3 triệu USD mỗi năm đầu tư cho việc bảo dưỡng đê điều.

Ước tính có khoảng 7.750 gia đình được hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ nguồn thu hoạch cua, ghẹ, tôm và các động vật nhuyễn thể do chương trình phục hồi rừng ngập mặn mang lại. Việc duy trì những giống cây truyền thống là một công cụ quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo sẵn có những giống cây trồng thích hợp với các điều kiện khác nhau. Bên cạnh đó, bảo tồn gen nói chung và bảo tồn nguồn gen thực vật rừng ngập mặn góp phần tăng đa dạng sinh học, đóng vai trò trung tâm trong nhiều chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ lực tác động của sóng và bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở vùng ven biển. Nơi nào có rừng ngập mặn còn nguyên vẹn thì thiệt hại rất ít vì rừng ngập mặn có thể làm giảm 50-75% chiều cao của sóng và 90% năng lượng của sóng lớn.

Rừng ngập mặn có khả năng chống lại sự tàn phá của sóng thần và bão lớn nhờ hai phương thức khác nhau. Đó là khi năng lượng sóng không quá lớn, quần xã các loài có thể đứng vững (hoặc chỉ bị tàn phá ở viền ngoài) bảo vệ hệ sinh thái của chính mình và bảo vệ cộng đồng dân cư ở đằng sau chúng. Còn khi năng lượng sóng rất lớn phá huỷ rừng ngập mặn thì chúng có thể hấp thu nguồn năng lượng khổng lồ bằng cách hy sinh chính mình bảo vệ cuộc sống của con người.