ThienNhien.Net – Công nghệ Nano hiện đang được sử dụng trong hàng trăm sản phẩm thông thường, từ bao bì gói thực phẩm cho tới bàn phím máy tính. Song, một câu hỏi đặt ra liệu chúng ta có nên đặt trọn niềm tin vào đánh giá của các nhà hoạch định chính sách và giới khoa học về tiềm năng và tính an toàn của thứ công nghệ này?
Nguyên liệu có tỷ lệ nano (1 nanomet bằng 1/106 mm, tương đương với kích thước 1/80.000 sợi tóc con người) cho phép chúng đảm nhiệm nhiều tính năng mới so với các dạng khác lớn hơn nó.
Tuy nhiên xung quanh công nghệ mới này vẫn tồn tại nhiều mối quan ngại thực sự về những rủi ro và nguy cơ mà nó gây ra cho con người và môi trường. Những chỉ trích sớm từ các tổ chức phi chính phủ không hẳn tập trung vào bản chất công nghệ nano, mà vào cách thức nó đang được sử dụng và việc thiết hụt những quy định và đánh giá nguy cơ từ phía các chính phủ.
Landmark Europe, một công ty chuyên về quan hệ công chúng, trong một cuộc khảo sát ở Liên minh Châu Âu (EU) đã nhận ra rằng kiến thức và hiểu biết của các nhóm công nghệ nano là rất thấp, kể cả các nhóm được thông tin khá đầy đủ. Họ vẫn giữ thái độ hoài nghi về các quy định hiện hành, cũng như các hình thức hỗ trợ cho luật dán nhãn sản phẩm mà cơ thể con người hấp thụ và tiếp xúc trực tiếp như thức ăn, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm.
Công nghệ nano còn thiếu kiểm định
Báo cáo của Tổ chức Những Người bạn Trái đất, một mạng lưới môi trường lớn nhất thế giới, cuối năm ngoái đã chỉ ra rằng công nghệ nano chưa qua thử nghiệm đã được đưa vào sử dụng trong hơn 100 sản phẩm và các bao gói hàng bao gồm: chất bổ sung dinh dưỡng, gia vị, chất tạo màu, tấm phủ thức ăn và các chất hóa học dùng trong nông nghiệp.
Điều này cho thấy các quy định hiện thời ở Mỹ không đòi hỏi kiểm tra hoặc dán nhãn cho các nguyên liệu nano nếu chúng được tạo ra từ các hóa chất đã được cho phép sử dụng, mặc dù có sự khác biệt lớn trong lượng độc tố.
Tiến sĩ Rye Senjen, đồng tác giả của bản báo cáo cho biết: ”Công nghệ nano có thể rất nguy hiểm khi sử dụng trong thực phẩm. Các bằng chứng khoa học đã sớm chỉ ra rằng có một số loại sản phẩm dùng vật liệu nano không rõ nguồn gốc sẽ phá hủy hoặc làm biến đổi DNA và có thể là nguyên nhân gây thương tổn gan và thận.”
Vấn đề sử dụng bạc nano và công nghệ nano trong sản xuất các tấm che nắng cũng dấy lên mối quan ngại đặc biệt. Các hãng sản xuất tấm che nắng đã bổ sung một lượng nhỏ hạt nano để ngăn chặn tuyệt đối các phần tử trong ánh nắng như titanium dioxide và zonc oxit bằng một tấm trong thay vì màu trắng. Những hạt nano này có thể xuyên qua da người, xâm nhập vào mạch máu và lên não, tim và thận. Chưa ai có thể hiểu biết đầy đủ về các tác động có thể xảy ra một khi chúng xâm nhập vào bên trong cơ thể người.
Bạc nano
Các tổ chức phi chính phủ cũng bày tỏ mối quan ngại với việc sử dụng bạc nano. Bạc rất hiệu nghiệm trong việc chống lại các vi khuẩn, và khi được sử dụng ở kích cỡ nano thì khả năng này càng được phát huy. Tuy nhiên, bản thân các nhà khoa học cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về tác dụng phụ của bạc nano đối với sức khỏe con người.
Bất chấp các mối quan ngại, bạc nano vẫn trở thành một trong những vật liệu nano được sử dụng rộng rãi nhất trong các sản phẩm tiêu dùng, nhất là trong nước rửa bát, mỹ phẩm và đồ chơi trẻ em.
Nói về điều này, Ian Illuminato, thành viên của mạng lưới Những Người bạn Trái Đất cho biết: “Các tập đoàn lớn đang đưa bạc nano vào trong rất nhiều sản phẩm tiêu dùng mà gần như thiếu giám sát và điều đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.”
Cuộc tranh luận kém sôi nổi
Bất chấp những tác động tiềm tàng của công nghệ nano, dư luận xã hội lại khá im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ và giới khoa học lại lo ngại rằng việc thiếu kiến thức, theo như bản khảo sát của Landmark Europe đưa ra, đang cho phép công nghệ nano phát triển rộng rãi trong khi thiếu những quy định cần thiết.
Thêm vào đó, các công nghệ an toàn và tích cực như sử dụng bạc nano làm lớp tráng cho các thiết bị y tế hoặc chăm sóc vết thương cho nạn nhân bỏng nặng cũng bị lu mờ chỉ vì các quy định còn lỏng lẻo.
EU và những khuyến cáo an toàn
Tháng 3/2009, nghị viện Châu Âu đã thông qua luật định mới về vật liệu nano sử dụng trong mĩ phẩm. Theo đó, bất kì mĩ phẩm nào chứa nguyên liệu nano sẽ phải có danh sách thành phần dán trên sản phẩm và có ghi chú rõ: “nano”.
Song theo các nhà khoa học, việc dán nhãn sản phẩm là chưa đủ. Họ muốn các nhà chức trách ban hành những quy định chặt chẽ hơn.
Đầu năm nay, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm EU (EFSA) đã cảnh báo rằng các kiểm định độc tố hiện nay về nguyên liệu nano sử dụng trong thực phẩm và các sản phẩm bao gói là chưa thỏa đáng.
EFSA cũng đồng thời nhấn mạnh rằng các đánh giá rủi ro hiện nay là chưa xác đáng và kêu gọi có nhiều nghiên cứu hơn nữa về độc tố của phân tử nano trong cơ thể người.
Clare Oxborrow, một cán bộ cấp cao phụ trách về thực phẩm thuộc mạng lưới Những người bạn Trái đất phát biểu: “Trong khi chưa có các quy định an toàn hợp lý, người tiêu dùng vẫn còn ít hiểu biết về các sản phẩm mà họ sử dụng và, một cách vô thức, chính họ đã đặt sức khỏe của mình và môi trường vào vòng nguy hiểm”.
Clare cũng khuyên mọi người tránh tiếp xúc với các vật liệu nano có thể chứa độc tố cho đến khi có những quy định hợp lý nhằm bảo vệ sự an toàn của họ.