ThienNhien.Net – Báo cáo mới đây của nhóm Lãnh Đạo Xã hội châu Á (Asia Society Leadership Group) cảnh báo tình trạng thiếu nguồn nước an toàn và ổn định đang có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Những hệ quả của sự khan hiếm nước sạch sẽ là thiếu lương thực, cuộc sống không được đảm bảo, di dân quy mô lớn cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế, những căng thẳng, bất ổn về kinh tế và địa chính trị.
Từ “cơn khát nước” đến nguy cơ bất ổn về an ninh
Thế giới hiện có hơn 1 tỷ người, tương đương 1/6 số dân không có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn nước sạch. Theo Liên hiệp quốc, một nửa các quốc gia trên thế giới sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc thiều nước sạch trầm trọng vào năm 2025, và đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ là ¾.
Tại châu Á, mái nhà của hơn một nửa dân số thế giới, thiếu nước sạch cũng đã trở thành căn bệnh trầm kha. Lượng nước sinh hoạt trung bình hàng năm cho mỗi người dân nơi đây khoảng 3.920 m3 – nghĩa là chỉ cao hơn…Nam Cực.
Điều đáng lo ngại hơn là châu lục này lại chiếm đến hai phần ba mức tăng dân số thế giới, cứ với đà này thì trong vòng 10 năm nữa, Á châu sẽ có thêm gần 500 triệu người. Từ nay đến năm 2025, số dân sinh sống ở nông thôn có thể không tăng, nhưng tại các đô thị thì mức tăng dân số sẽ vào khoảng 60%.
Tốc độ tăng dân số cao và đô thị hóa nhanh đồng nghĩa với tình trạng khan hiếm nước sạch trong khu vực càng trở nên căng thẳng. Thêm vào đó là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng các hậu quả của nó về bất ổn lương thực, kinh tế, địa chính trị, v.v. sẽ là hiểm họa an ninh cho toàn khu vực.
Mục tiêu của nhóm Lãnh đạo Xã hội châu Á thông qua bản báo cáo nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trong việc gìn giữ an ninh ở nhiều cấp độ khác nhau. Ý tưởng này xuất phát từ “Nghiên cứu tổng quan về phát triển nước cho khu vực châu Á -2007” – một bản báo cáo được công bố với sự hợp tác của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương về nước, trong đó nhấn mạnh phần lớn các vấn đề về nước tại châu Á không phải là sự thiếu hụt trước mắt, mà là hệ quả của quá trình quản lý nguồn nước yếu kém. Vì vậy, cần tập trung giải quyết vấn đề bằng các chính sách và công tác quản lý một cách hiệu quả.
Nhóm đã đề xuất 10 giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nước có nguy cơ xảy ra tại châu Á, gồm:
1. Đề cao tầm quan trọng của vấn đề an ninh nước sạch trong các nghị trình chính trị và phát triển của các nước châu Á
2. Đưa vấn đề về nước vào hoạch định chiến lược an ninh khu vực.
3. Khích lệ đầu tư và hợp tác trong công nghệ quản lý nước
4. Thúc đẩy chính sách về nước thông qua đối thoại
5. Đưa vấn đề khủng hoảng nước sạch vào bản thỏa thuận khí hậu hậu Kyoto 2012
6. Ứng dụng dữ liệu về nước và biến đổi khí hậu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) để phát triển hệ thống cảnh báo sớm
7. Thúc đẩy việc triển khai các các tuyên bố và thỏa thuận khu vực đã được ký kết, như tuyên bố hội nghị thượng đỉnh về nước châu Á-Thái Bình Dương 2007.
8. Mở rộng Diễn đàn hợp tác tài chính về nước của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Đây là sáng kiến của ADB nhằm cung cấp các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dịch vụ liên quan đến nước cho khu vực thành thị – nông thôn, và công tác quản lý nước lưu vực sông, bao gồm cả việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
9. Hài hòa Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về nước với nhiệm vụ của Ủy ban Kinh tế Xã hội của (Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) trong việc thúc đẩy các nỗ lực tiến tới mục tiêu năm 2015 của châu Á.)
10. Nâng cao chất lượng dữ liệu quan trắc về nước tạo cơ sở cho việc ban hành chính sách tốt hơn.