ThienNhien.Net – Với địa hình phong phú, bao gồm cả cao nguyên, gò đồi và các vùng đất bãi rộng lớn, là tiềm năng giúp cho các tỉnh phía Bắc nước ta phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính phủ, nghề chăn nuôi bò sữa đang hồi phục và phát triển. Tuy nhiên để đàn bò sữa phát triển ổn định, bền vững,nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn thì cần phải có những giải pháp mạnh,đồng bộ hơn nữa trong công tác quản lý.
TS Đỗ Kim Tuyên – Trưởng phòng gia súc lớn (Cục chăn nuôi, Bộ NN &PTNT) cho biết, đàn bò sữa nước ta hiện có hơn 110 nghìn con với 55 nghìn con đang vắt sữa trong đó khoảng 20% số đàn bò ở các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Tuyên Quang, Hà Nam với 7.013 hộ chăn nuôi, quy mô trung bình khoảng 3,7 con/hộ. Mặc dù chiếm số lượng khiêm tốn trong cơ cấu đàn bò của cả nước nhưng nơi đây có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa rất lớn.
Thực hiện quyết định 167của Thủ tướng chính phủ về phát triển chăn nuôi bò sữa (thời kỳ 2001- 2010), nhiều địa phương cũng ban hành chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa như hỗ trợ công tác giống, thú y, tập huấn quy trình chăn nuôi… Đến nay chất lượng sữa và sản lượng sữa trên một chu kì vắt sữa cao hơn hẳn so với điểm xuất phát (năm 2001). Nếu như trước đây, một con bò sữa trung bình chỉ đạt 3.200lít/chukì đến nay đạt 3.900 – 4.000 lít/chukì, một số nơi đạt năng suất hơn 11nghìnlít/chukì (vùng Mộc Châu, Tuyên Quang). Sản lượng sữa hiện nay đáp ứng 28% nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Theo Cục chăn nuôi, nhiều đối tác nước ngoài muốn đầu tư vào chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh phía Bắc.
Phó tổng giám đốc công ty sữa Quốc tế IDP cho biết: ”Công ty đã lập dự án đầu tư phát triển đàn bò sữa vùng chân núi Ba Vì với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng trong thời gian 4 năm với hình thức cho nông dân vay không tính lãi, dân hoàn lại vốn cho công ty bằng chính sản phẩm sữa tươi”. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với Trung tâm giống gia súc Hà Nội, xây dựng mạng lưới thu gom sữa, đào tạo tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, bảo quản sữa và kiểm tra chất lượng. Năm 2008, công ty chi 1,7 tỷ đồng vốn không tính lãi cho “vùng sữa nguyên liệu “Ba Vì.
Giám đốc trung tâm gia súc Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, giá sữa thu mua của các công ty sữa những tháng hè này khá ổn định (khoảng 7.500 – 8000đồng/ lít sữa), với giá mua như thế người nông dân vẫn có lãi cùng với sự hỗ trợ vay vốn từ quỹ khuyến nông Hà Nội, vì vậy bà con nông dân phấn khởi mở rộng quy mô chăn nuôi và đã có nhiều nông dân làm giầu từ nghề chăn nuôi bò sữa.
Mặc dù xu hướng mở rộng quy mô chăn nuôi đang tăng dần nhưng nhìn chung ở các tỉnh phía Bắc, mỗi hộ trung bình cũng chỉ nuôi vài ba con, lại phân tán gây khó khăn cho việc trợ giúp của Nhà nước, thu gom và vận chuyển sữa. Giữa nông dân và nhà máy sữa chưa gắn được với nhau về quyến lợi và trách nhiệm, giá thức ăn tăng là những thách thức ảnh hưởng đến hiệu qủa của chăn nuôi bò sữa.
Theo chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta hướng tới mục tiêu một triệu lít sữa bò, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân. Nghề chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh phía Bắc nói riêng và ngành bò sữa nói chung đang ổn định và phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Kim giao khẳng định: “Mục tiêu 500 nghìn con bò sữa vào năm 2020 là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực nếu chúng ta thực hiện những giải pháp đồng bộ hỗ trợ ngành bò sữa như: Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho quỹ đất phát triển chăn nuôi (chăn nuôi + trồng cỏ cho bò sữa, chủ động hơn về con giống, tiếp tục chăn nuôi an toàn theo GAP, cần xây dựng chương trình sữa học đường tạo nguồn tiêu thụ ổn định trước những biến động của thị trường, cần có cơ chế chính sách thu mua sữa bò tươi trong nước”.
Mặt khác, người chăn nuôi cũng nên nhận thức rằng giá sữa mua thay đổi theo mùa rõ ràng:mùa hè tiêu dùng sữa tươi lớn hơn, năng suất lại thấp hơn mùa đông cho nên giá thu mua thường cao, tránh hoang mang, ảnh hưởng không tốt cho phát triển đàn bò sữa.
Lời phát biểu đó đã nói lên rằng để người chăn nuôi yên tâm chăm lo cho đàn bò sữa và đảm bảo chất lượng sữa góp phần hướng tới phát triển bền vững ngành chăn nuôi cần có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nói trên.