Hiệu quả từ Dự án rau hữu cơ

ThienNhien.Net – Từ một xã nghèo của huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều gia đình ở Thanh Xuân đã trở nên khấm khá nhờ Dự án “Trồng rau hữu cơ nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị thực hiện, dưới sự tài trợ của Tổ chức phát triển công nghiệp Đan Mạch (ADDA). Dù mới triển khai được 1 năm, chỉ với 10 hộ dân tham gia nhưng mô hình rau hữu cơ ở Thanh Xuân thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.


Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, chủ nhiệm đề tài rau hữu cơ, cho biết: ”Rau hữu cơ không canh tác trong môi trường đất mà được trồng trong môi trường nhân tạo đặc biệt, trên các giá thể. Trong một diện tích nhỏ, bạn vẫn có thể trồng được rau hữu cơ nhiều tầng, với lớp lưới hoặc kính bảo vệ. Các vật liệu sử dụng để sản xuất rau gồm có một số vật liệu “phế thải” như: Bã cà phê, rơm, rạ, bông kết hợp với nước sạch (nước máy). Trên cơ sở đó, với từng giống rau yêu cầu lượng khí, nhiệt độ thích hợp mới cho sản phẩm đạt năng suất cao”.

So với trồng rau truyền thống, mô hình trồng rau hữu cơ cho hiệu quả cao gấp 2 lần, cách trồng đơn giản, không tốn nhiều công sức lại tận dụng được tối đa các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Đây thật sự là một bước tiến mới so với các cách trồng rau thông thường. Rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học,không phun thuốc trừ sâu độc hại và không sử dụng chất biến đổi gen.Phân bón sử dụng cho rau hữu cơ được hoại mục bằng những phế phẩm, rơm rạ, phân chuồng và được tưới hoàn toàn bằng nước sạch. Hơn nữa, thời gian trồng ngắn, tầm 12 ngày tới 2 tháng là có thể thu hoạch. Những yếu tố này khiến cho rau hữu cơ trở nên an toàn tuyệt đối với người dân và đảm bảo được độ sạch trong rau.

Nhờ đó, mô hình trồng rau hữu cơ ở Thanh Xuân đã đem lại cho những người nông dân trồng rau niềm hy vọng mới. Trước đây giá cả các loại rau thường rất thấp, có những thời điểm, rau được thu mua với giá chỉ 1000 -2000/cân, đây là một điều thiệt thòi của người dân, khi họ phải một nắng hai sương, vất vả nhưng hiệu quả kinh tế thì lại không cao. Với rau hữu cơ, Một sào rưỡi rau chỉ thu hoạch được 3 tạ rau các loại. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của loại rau này lại cao hơn từ 2 – 3 lần so với các loại rau cùng loại. Với giá cả như vậy, nhưng nguồn thực phẩm sạch này không hề lo bị ế, mà ngược lại còn được các nhà hàng, khách sạn đặt hàng và thu mua hết, nhiều khi còn không đủ để cung cấp.

Chị Nguyễn Thị Lan, một người trồng rau ở thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân cho biết, khoản tiền thu nhập được từ rau của chị là 10 triệu đồng, trừ đi các khoản chi phí thì cũng lại được từ 5 – 6 triệu. Đây cũng là một trong những biện pháp xóa đói giảm nghèo cho những người nông dân trồng rau.

Với loại rau sạch mới mẻ này, những người nông dân không chỉ cảm thấy vui mừng vì thoát được cái nghèo khó, mà hơn cả, là với cách làm mới, người nông dân không còn phải lo lắng về sức khỏe của bản thân mình vì phải tiếp xúc với rất nhiều hóa chất như cách trồng rau thông thường. Bên cạnh đó, người dân tiêu thụ rau hàng ngày cũng không còn phải quá băn khoăn về vấn đề rau an toàn, rau sạch như hiện nay. Hơn thế nữa, dự án đã đem lại sự hòa hợp giữa thiên nhiên ,con người và sự phát triển bền vững của xã hội.

Ông Cao Văn Sự, Trưởng nhóm Dự án rau hữu cơ Thanh Xuân cho biết, tuy mới triển khai, nhưng hiệu quả từ những mô hình này rất khả quan, ngoài việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, dự án còn giúp cải thiện đời sống của nông dân. Trong tương lai, dự án sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều nơi.