Hoàn thiện quy hoạch chung Hà Nội

ThienNhien.Net – Tháng 10 năm 2010, Hà Nội sẽ tròn 1000 năm tuổi và chính thức là một trong 29 Thủ đô trên thế giới có tuổi từ 1000 năm trở lên. Sự kiện mở rộng phạm vi thủ đô Hà Nội với tổng diện tích đất tự nhiên 3.344 km2 và dân số 6,32 triệu người, tăng gấp 3 lần về đất và gấp 2 lần về dân số so với trước đã đặt ra một bước đi lịch sử mới cho thủ đô kể từ sau ngày 01/08/2008. Do đó, chủ trương quy hoạch lại Hà Nội đã được Chính phủ rất quan tâm.


Hiện nay, đồ án Qui hoạch chung Hà Nội (QHCHN) đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 do Bộ Xây Dựng chủ trì kết hợp với Công ty Tư vấn liên doanh quốc tế PPJ thực hiện đã hoàn thành bước 1, đang được TP. Hà Nội đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức.

Vấn đề môi trường, bảo tồn và phát triển trong quy hoạch Hà Nội

Tại hội thảo khoa học mới đây do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật ((KH&KT) Hà Nội tổ chức, gần 50 đại biểu đại diện cho 38 Hội thành viên của Liên hiệp Hội và các nhà khoa học chuyên ngành đã thẳng thắn đóng góp ý kiến với mong muốn được cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng quy hoạch chung Hà Nội là rất cần thiết và cấp bách, nhưng không nên làm một cách vội vã… theo kế hoạch chưa đầy 1 năm như đồ án này. Trong số rất nhiều vấn đề được nêu ra tại hội thảo, đại biểu Bùi Tâm Trung – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường thành phố đã phân tích rõ tình trạng suy thoái về không gian đô thị đang diễn biến rất nghiêm trọng, gây hàng loạt vấn đề phức tạp về môi trường và xã hội mà chính con người phải gánh chịu hậu quả.

Ông Trung nói: “Quy hoạch là chỗ dựa cho đô thị hoá… Môi trường và cảnh quan Hà Nội ngày càng xuống cấp có nhiều nguyên nhân, quan trọng là do khi quy hoạch sắp xếp không gian đô thị vấn đề môi trường chưa được chú ý đúng mức. Qua 6 lần lập và điều chỉnh qui hoạch từ những năm 60-80 cho đến đồ án lần này, vấn đề môi trường vẫn chưa được đặt ra…”. Vì thế, có thể nói là cho đến nay chúng ta chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa môi trường với bảo tồn và phát triển và đây là một thực trạng cần được quan tâm nghiên cứu…

Từ góc độ biến đổi khí hậu (BĐKH) – vấn đề môi trường và phát triển nóng nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu, các đại biểu Trương Quang Học, Vũ Hoan, Trần Hồng Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp Hội Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng và thuỷ văn môi trường) đã cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của biến đổi khí hậu tới tất cả các vùng, miền, trong đó các lĩnh vực tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế – sức khoẻ và vùng ven biển sẽ phải chịu tác động mạnh mẽ nhất. Hà Nội nằm trong đới đứt gãy của sông Hồng cũng không loại trừ khả năng chịu nhiều tác động của BĐKH.
Nên khi quy hoạch sắp tới cần phải lồng ghép, tính toán kỹ để tránh tối đa những rủi ro do tác động xấu của BĐKH gây ra, đồng thời có thể lợi dụng những thuận lợi có thể để phát triển theo hướng một thành phố sinh thái, hiện đại, bền vững, mang đậm bản sắc dân tộc và bảo tồn được di sản quí báu của ông cha để lại…

Cần tiêu chí chung cho quy hoạch Hà Nội

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đa dạng và sâu sắc của các nhà khoa học, Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội đã thống nhất gửi văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố cũng như Chính phủ quan tâm để điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội cho phù hợp.

Cũng mới đây, sáng 03/08, Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đã nghe liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo đợt 2 và cho ý kiến triển khai Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Phó Thủ tướng đánh giá, bản báo cáo đợt 2 của các đơn vị tư vấn là bước tiến quan trọng giúp định hình không gian phát triển của thủ đô trong thời gian tới. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần phối hợp thêm với các cơ quan chức năng của thành phố đề xuất tiêu chí chung cho Hà Nội, kết hợp với việc lấy ý kiến của nhân dân, sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoạch định các vấn đề còn lại.

Sau báo cáo, việc triển khai hoàn thiện Đồ án phải thực hiện đồng bộ và làm rõ hơn các khu chức năng quan trọng, các chuẩn mực của các khu đô thị khác nhau, tính toán hạ tầng, phân bố dân cư trên quy hoạch tổng thể và đặc biệt là phương án bảo tồn di tích của vùng thủ đô. Trong đó, đô thị trung tâm lấy khu vực dọc sông Hồng làm trục không gian cảnh quan, với các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Chúc Sơn, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Quốc Oai,…. Tiếp tục nghiên cứu dự án dọc 2 bên bờ sông Hồng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội.
Đối với khu Trung tâm hành chính quốc gia, Phó Thủ tướng đồng ý triển khai hoàn thiện 5 phương án, xem xét mở rộng diện tích dự án hành lang xanh của thủ đô. Vấn đề giao thông đô thị cần lưu ý tới các quy hoạch cấp thoát nước do Hà Nội là hạ lưu của nhiều con sông, chịu tác động của biến đổi khí hậu rất lớn.

Về tiến độ triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trong tháng 8 chọn xong đơn vị tư vấn thẩm định, tiếp xúc dự án để bảo đảm có thể hoàn thành báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Tại báo cáo lần 3 – Đồ án cuối cùng, có bổ sung kế hoạch hành động sau khi quy hoạch được duyệt. Sau khi hoàn thành các khâu phê duyệt, trình Quốc hội, TP.Hà Nội chuẩn bị các quy hoạch chi tiết để triển khai.