Sử dụng hợp lý nguồn than bùn vùng U Minh Hạ

ThienNhien.Net – Ngày 29/07/2009, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sử dụng hợp lý nguồn than bùn tận thu vùng U Minh Hạ”. Dự Hội thảo, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Huỳnh Kỳ và các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu khoa học Trường Đại học Cần Thơ, các đơn vị sự nghiệp khoa học, các sở, ngành tỉnh, huyện, xã và một số nông dân trong vùng.


Cà Mau là một trong những địa phuơng có trữ lượng than bùn lớn nhất nước, diện tích phân bố tập trung trên 6.000 ha, trữ lượng 14 triệu tấn, nằm trên địa bàn các xã Khánh Tiến, Khánh An, Khánh Lâm, Nguyễn Phích của huyện U Minh và xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi của huyện Trần Văn Thời. Theo dự thảo Đề án “Sử dụng hợp lý nguồn than bùn tận thu vùng U Minh Hạ” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xây dựng, thì than bùn ở một vài khu vực có thể tận thu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhưng nhiều nơi không thể khai thác vì sẽ phá vỡ hệ cân bằng sinh thái. Theo Đề án, than bùn khi khai thác có thể làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, than hoạt tính, với trữ lượng có thể tận thu trên 1,2 triệu tấn.

Tại Hội thảo, ý kiến các nhà khoa học đều cho rằng, tại khu vực có thể tận thu, UBND tỉnh nên có kế hoạch chi tiết, vì than bùn U Minh có chất lượng rất tốt, nếu không khai thác sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu than bùn sẽ tạo ra những sản phẩm có ích phục vụ phát triển nông – lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trong vùng. Tuy nhiên, khi tận thu, cần tuân thủ các khuyến cáo khoa học như chỉ được tận thu trên những khu vực quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được tận thu toàn bộ mà phải chừa lại một lớp có chiều dày ít nhất 25cm…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến tâm huyết, xác đáng của các nhà khoa học, nhà quản lý; tiếp tục nghiên cứu vai trò của than bùn đối với môi trường, hệ sinh thái của vùng U Minh hạ. Đặc biệt, Vườn Quốc gia U Minh Hạ nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, do đó mọi tác động làm thay đổi đến hệ sinh thái phải được tính toán thật kỹ để trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, phải bảo tồn và đa dạng sinh học, giữ gìn và phát huy hệ sinh thái rừng tràm – vốn rất đặc trưng của vùng U Minh Hạ.