ThienNhien.Net – Sau 12 tháng triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, dự án đã nhận được nhiều ý kiến của giới chuyên môn cũng như của đông đảo người dân thủ đô. Có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít các ý kiến không ủng hộ…
Đây là một dự án lớn hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Seoul(Hàn Quốc) với tổng đầu tư dự án tính lên đến 7 tỉ USD. Trong phạm vi quy hoạch của dự án thì đoạn qua Hà Nội là 40km, trong đó có khoảng 39.100 hộ dân (170.000 dân) sẽ phải di dời. Khi dự án được thực thi thì tuyến đê hai bên sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ, chỉnh tuyến, tạo dòng chảy hợp lý. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian chính của thành phố Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ven sông, các công trình kiến trúc thiên nhiên và nhân tạo khác.
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, qui hoạch, bố trí lại dân cư hai bên bờ sông Hồng là việc đáng làm, tuy nhiên cần phải xem xét tới lợi ích cho cộng đồng, người dân nằm trong khu vực quy hoạch của dư án, hy sinh vì lợi ích chung cho Hà Nội chứ không phải cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội (đơn vị đầu mối chuyên trách dự án), khẳng định, hiện nay đã hội đủ các điều kiện để thực hiện dự án. Ông nói: “Nếu không sớm thực hiện dự án thì sẽ triệt tiêu nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện sớm, quỹ đất này cũng bị lấn chiếm, lại quay trở lại mốc ban đầu”.
Ông Phạm Quang Nghị – Ủy viên Ban chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kết luận vấn đề và chỉ đạo: “Mục tiêu quan trọng của Dự án là phải bảo đảm an toàn về lũ, phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đô thị… Do vậy, cần nghiên cứu quy hoạch đô thị khu vực dân cư ở ven sông theo hướng vừa đan xen cải tạo, vừa giải tỏa, xây dựng lại; xem xét cụ thể khả năng giữ lại những di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề và những điểm dân cư phù hợp với quy hoạch nhằm giảm bớt số hộ dân phải di dời, đền bù, giảm chi phí đầu tư; tạo sự đồng thuận xã hội; góp phần ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tính khả thi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trăn trở về việc trị thủy của sông Hồng. Hàn Quốc đưa ra quy hoạch với những kinh nghiệm từ sông Hàn của Hàn Quốc, nhưng sông Hồng không hẳn là sông Hàn nên chắc chắn sẽ có những vấn đề riêng khó có thể giải quyết.
Theo KTS Nguyễn Trực Luyện: ” Cách đây khoảng 5 – 7 năm, chúng ta đã nói đến chuyện phát triển hai bên sông Hồng. Thành phố đã từng đề ra như thế với cái hình mẫu là sông Seine ở Paris, sông Néva ở Saint-Pétersburg. Nhưng hiện thực thì những người đề ra cũng thấy là không đơn giản như vậy. Bây giờ thì lại có kinh nghiệm của Hàn Quốc. Có vẻ như là sông Hàn có cái gì đấy na ná với sông Hồng. Tức là nó sẽ ở trong thành phố nhưng không phải là nhà cửa sát mặt sông như là ở Paris mà là giữa sông và thành phố có cả dải công viên cây xanh giải quyết vấn đề chế độ nước sông. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết rằng người Hàn Quốc đã dùng những biện pháp gì trị thủy sông Hàn và không hiểu người ta có thấy sông Hàn và sông Hồng khác nhau không? Sông Hồng là con sông rất hung dữ, có chế độ thủy văn rất phức tạp, từ những thời điểm cạn trơ đáy cho đến những khi nước lên rất cao, dòng chảy rất hung dữ. Như vậy là trị thủy sông Hồng không đơn giản. Tất cả những thông số kĩ thuât ấy phải được đặt ra và cân nhắc. Với người đứng ngoài dự án thì khó có thể phát biểu rằng nó có khả thi, có đúng, có tốt. Chỉ thấy rằng những điều ấy chưa được trình bày rõ khi ban điều hành đem dự án ra lấy ý kiến dân.”
Với một dự án lớn như vậy, sau 12 tháng triển lãm, ý kiến của người dân thủ đô cũng có những ý kiến trái ngược nhau. Đã có 1359/18000 người tới xem tham gia trả lời phiếu thăm dò, thống kê cho thấy đại đa số phiếu trả lời là người Hà Nội và có 53,2% ở trong khu vực dự án. Kết quả thu được,có 37,8% người trả lời phiếu đồng ý toàn bộ dự án, 30,5% đồng ý hầu hết các thành phần của Dự án, 27% đồng ý một phần và không đồng ý 4,6%. Các lý do không đồng ý triển khai dự án tập trung vào tính khả thi của dự án, ảnh hưởng của việc di dân quy mô lớn, phương án trị thủy, ảnh hưởng về môi trường, văn hóa…
Để triển khai dự án này, gần 40.000 hộ dân đang sống trên khu vực bãi sông, đê hiện tại phải di dời. Dự án sẽ bồi thường thích hợp và tạo điều kiện tái định cư (nếu có nhu cầu) tại các điểm cư trú mới trong khu vực dự án. Theo tính toán của tổ nghiên cứu này, khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2020), dự án sẽ cung cấp nhà ở cho khoảng 97.000 hộ và 70% số này (68.000 hộ) sẽ được bán. Như vậy, khoảng 29.000 hộ dân thuộc diện di dời kể trên có thể tái định cư.
Tuy nhiên, khi dự án được xây dựng xong, với những biệt thự, chung cư cao cấp, văn phòng, trung tâm tài chính, thương mại, khách sạn cao cấp để bán và cho thuê thì liệu sẽ có bao nhiêu người dân hiện ở khu vực này sẽ có đủ tiền để mua lại căn hộ, căn nhà mà họ xây trên đất trước kia là của mình?
TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc gia tăng dân số ở khu vực dự án, cũng như việc qui hoạch “đô thị nén” là rất không ổn, ngày càng gây nhiều khó khăn cho chỉnh trang phát triển Hà Nội. Chưa kể, kinh phí lên đến 7 tỉ USD, nhưng trung bình mỗi hộ di dời chỉ được khoảng 600 triệu đồng, chỉ mua được nửa căn hộ chung cư nhiều tầng loại thường hiện nay…
Như vậy cũng còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi thực hiện dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng, làm thế nào để có thể đem lại cho Hà Nội một diện mạo mới, sang trọng, hiện đại với một quy mô sánh ngang với bạn bè thế giới, nhưng kèm theo đó phải là những lợi ích thiết thực nhất cho chính người dân của thủ đô…